Đây là một nội dung được trao đổi tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I/2017 do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 10/4.
Tại buổi Họp báo, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 3 ước đạt 92,17 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 3 tháng đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016.
Hoạt động chi NSNN tháng 3 ước đạt 110,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Ngô Chí Tùng cho biết, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2017 khá thuận lợi, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.
Đến hết ngày 31/3, đã phát hành được 56.497 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bằng 30,8% kế hoạch năm 2017.
Về thoái vốn doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực.
Cụ thể, hiện có 7 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 7 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 379 tỷ đồng.
Về tiến độ phân bổ dự toán NSNN, đến ngày 31/3, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị điều chỉnh, đôn đốc các đơn vị thực hiện phân bổ, giao dự toán theo đúng quy định. Đối với vốn đầu tư, cơ bản các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã hoàn thành việc triển khai phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) cho các chủ đầu tư dự án theo quy định.
Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi, trong 3 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 183,6 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 40,4 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện khoảng 2.400 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 13 tỷ đồng.
Đại diện các đơn vị của Bộ Tài chính cũng giải đáp một số câu hỏi xoay quanh điều hành chính sách thời gian qua. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu trước tiên là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Việc điều chỉnh cũng giúp tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.
Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 137, có 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97). Việc điều chỉnh giúp nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, các tỉ lệ thuế, gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụu đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế GTGT trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazut) so với nhiều nước (Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%). Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít là phù hợp (khung áp dụng cho lộ trình dài).
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu.
“Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để bảo đảm cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thi khẳng định.