Điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn ODA đối với địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP (NĐ 79) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 (NĐ 97) về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng là điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

NĐ 79, sửa đổi Khoản 1 Điều 21 NĐ 97 như sau: Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi; Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi; Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi; Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, TP.HCM), tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi; Thành phố Hà Nội và TP.HCM: tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 1/4/2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.

So với NĐ 97, tỷ lệ cho vay lại có sự thay đổi ở nhóm các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên và địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%. Hai nhóm này có tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại NĐ 97 lần lượt là 30% và 40%.

Ngoài ra, NĐ 79 bổ sung Điểm c Khoản 2 Điều 21 NĐ 97: Trường hợp áp dụng tỷ lệ cho vay lại khác cho các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này, trong quá trình xây dựng cơ chế tài chính đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản và bên vay lại, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan, trình Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ cho vay lại đối với từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 10%.

NĐ 79 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trị giá tài sản bảo đảm tiền vay; chế độ báo cáo mà bên vay lại phải thực hiện; vấn đề nợ quá hạn;…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. Chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ chế tài chính, điều kiện cho vay lại trước ngày Nghị định có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đối với các khoản nợ vay lại quá hạn của các chương trình, dự án vay vốn ODA và ưu đãi nước ngoài phát sinh trước ngày Luật Quản lý nợ công năm 2009 có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được, cơ quan cho vay lại xây dựng phương án xử lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, gửi Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chuyên đề