Điểm tựa vững chãi giúp dân vượt qua đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là những y, bác sĩ quân y đang ngày đêm đấu tranh giành lại sự sống cho bệnh nhân. Là những chiến sĩ rất trẻ đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần ở những khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Là những cán bộ, chiến sĩ đóng chốt tại biên giới, tại những điểm nóng phòng, chống dịch… Vượt xa lẽ thường, Bộ đội Cụ Hồ đang hằng ngày xông pha nơi tuyến đầu khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, để giành lại cuộc sống cho hàng chục vạn người dân bằng mệnh lệnh trái tim.
Với tinh thần không để người dân thiếu nhu yếu phẩm, cơ quan chức năng địa phương phối hợp cùng lực lượng quân đội đã nhanh chóng triển khai kế hoạch “Đi chợ giúp dân”
Với tinh thần không để người dân thiếu nhu yếu phẩm, cơ quan chức năng địa phương phối hợp cùng lực lượng quân đội đã nhanh chóng triển khai kế hoạch “Đi chợ giúp dân”

Những người chống lại tử thần

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trở thành những tâm dịch lớn. Tình hình ấy đã tạo áp lực khổng lồ lên lực lượng y tế nói chung và lực lượng quân y nói riêng. Tất cả đang phải gồng mình chống lại tử thần, quyết giành lại mạng sống cho từng bệnh nhân.

21 giờ, Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 vẫn tất bật những bóng áo trắng qua lại. Không rời mắt khỏi chiếc màn hình khổng lồ đang giám sát toàn bộ các phòng bệnh, Thượng úy, bác sĩ Lương Vũ Dũng, nói nhanh: “Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân 24/24 giờ vì diễn biến của những ca Covid-19 nặng rất nhanh. Lơi một giây là hậu quả có thể khôn lường!”. Chiếc màn hình khổng lồ được chia thành hơn một chục màn hình nhỏ, trên đó hiện rõ từng bệnh nhân.

21 giờ, giờ thay ca. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất. 24 giờ mỗi ngày ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca. Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ. Ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ. Thời gian còn lại thuộc về ca đêm. Trước giờ vào ca, phòng mặc đồ bảo hộ rộn rã tiếng nói cười. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế ca trực đều là những người trẻ trung. Đặc biệt là lực lượng điều dưỡng viên. Chiếc bút dạ viết vội lên áo bảo hộ tên + biệt danh từng người, lại thêm cả những biểu tượng mặt cười. Sự hồn nhiên được họ mang theo cả vào nơi hiểm nguy!

Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch đang điều trị những bệnh nhân Covid-19 rất nặng - những người mà sự sống mong manh như mành chỉ treo chuông. Bệnh nhân nặng, đồng nghĩa với tải lượng SARS-CoV-2 cao, nguy cơ lây nhiễm đối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng rất lớn. Thế nhưng, ý chí chiến thắng đại dịch, tình yêu với nhân dân luôn cao hơn rất nhiều. Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Cảnh Trung, Trưởng kíp trực, chia sẻ: “Đầu tiên, cần xác định đây là cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc. Chúng tôi xác định quyết tâm, đây là cuộc chiến phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ tính mạng nhân dân”. Quyết tâm của anh và các y, bác sĩ nơi đây khiến người vào Khoa nhận được cảm giác ấm áp, yên tâm.

Khó khăn, vất vả, nguy hiểm là thế nên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, đều là những người có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, đó đều là những y, bác sĩ trẻ, tinh thần trách nhiệm cao, tình nguyện tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Khác với mô hình điều trị theo tháp 3 tầng của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 của Bệnh viện Quân dân y miền Đông chỉ chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền. Bệnh viện được chuyển đổi từ cơ sở cũ nên trang thiếu bị rất thiếu thốn. Thế nhưng, ngay khi nhận nhiệm vụ triển khai bệnh viện dã chiến, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Quân dân y miền Đông đã dồn toàn tâm, toàn lực, nhanh chóng chia Bệnh viện thành từng phân khu, biến phòng điều trị của một bệnh viện đa khoa thành một bệnh viện đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền.

Hoạt động khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông luôn được các y, bác sĩ cài đặt ở tốc độ tối đa. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, việc xét nghiệm được thực hiện. Sau khi có kết quả khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, các y, bác sĩ lập tức lên phương án điều trị. Với các ca bệnh nặng, những bác sĩ hàng đầu của Bệnh viện lại tổ chức hội chẩn kịp thời để đưa ra các phương án điều trị phù hợp nhất.

Theo quy định, mỗi ca làm việc của các y, bác sĩ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 kéo dài 4 giờ. Thế nhưng, do lực lượng mỏng, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông thường xuyên phải làm việc 6 giờ/ca. Chị Cao Thị Bích Vân, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi cho biết: “Bệnh này (Covid-19- PV) có nguy cơ rất cao, vì vậy, đội ngũ điều dưỡng viên ở đây luôn cố gắng chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Bệnh nhân được phục vụ gần như tất cả các nhu cầu, từ thuốc điều trị đến đồ ăn, nước nôi đầy đủ. Chúng tôi luôn cố gắng khắc phục khó khăn, mang những gì tốt nhất đến cho người bệnh”.

Tất cả vì nhân dân

Dịch Covid-19 bùng phát, những chốt phòng, chống dịch được đặt ra với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển giữa các địa phương, tránh sự lây nhiễm trong cộng đồng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 7, hiện nay, trên địa bàn Quân khu đang bố trí gần 15.000 tổ, chốt biên giới, ven biển, nội địa để bảo đảm an ninh trật tự và kiểm soát phòng, chống dịch. Hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phối hợp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các tổ, chốt, điểm cách ly, khu vực phong tỏa, tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, phân “luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu lưu thông...

15 giờ, Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Chợ Đệm, Km số 10, đường cao tốc Trung Lương (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM), gió chiều thổi thốc lên từng khuôn mặt. Sau tấm kính chống giọt bắn, những giọt mồ hôi chạy dài trên khuôn mặt của các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Trung úy Nguyễn Đức Tuấn, Trung đội trưởng Trung đội 9 (Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định, Bộ tư lệnh TP.HCM) dường như đã quên mất khái niệm về thời gian. Một tháng nay, mỗi ngày anh đều có mặt tại chốt từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ cùng đồng đội để tham gia kiểm soát, điều hành giao thông.

Theo Trung úy Nguyễn Đức Tuấn, dù trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng lưu lượng xe lưu thông từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM vẫn khá đông. Hằng ngày, mỗi kíp trực chốt 8 giờ/ca, bảo đảm 24/24 giờ. Thời gian thực hiện nhiệm vụ dài, lại dưới thời tiết nắng nóng, tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao. Do vậy, nếu không linh hoạt trong điều hành, kiểm soát thì các cán bộ, chiến sĩ nơi đây khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Không chỉ Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Chợ Đệm, tại tất cả những chốt ở các địa phương đang là điểm nóng của dịch Covid-19, như: thị xã Hòa Thành, huyện Tân Châu, Bến Cầu (Tây Ninh); TP, Biên Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An (Bình Dương), quận Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, TP. Thủ Đức (TP.HCM)… dù ngày hay đêm khuya đều thấy được sự cố gắng, quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng hoạt động tại các chốt phòng, chống dịch, lực lượng vũ trang còn đang sát cánh hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Đó là hoạt động hỗ trợ người dân nhu yếu phẩm, giúp nông dân thu hoạch mùa vụ, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của người dân thông qua hoạt động hỗ trợ đưa đón, an táng người quá cố giữa đại dịch… Nhiều đơn vị quân đội trên địa bàn đã triển khai lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên tuyến đầu bằng nhiều hình thức sáng tạo và thiết thực, như: “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”... Đó là quyết tâm và việc làm từ chính tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh trái tim của Bộ đội Cụ Hồ giúp nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Cũng chính từ tinh thần đó, trong nhiều ngày qua, trên khắp các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 7, những “Chuyến xe 0 đồng” lưu động có mặt tại mọi miền quê, ngõ phố để mang nhu yếu phẩm và thực phẩm đến tận nhà trao cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, với tinh thần không để người dân thiếu nhu yếu phẩm, cơ quan chức năng địa phương phối hợp cùng lực lượng quân đội đã nhanh chóng triển khai kế hoạch “Đi chợ giúp dân”. “Đi chợ giúp dân” là hình thức lực lượng vũ trang phối hợp cùng các lực lượng khác hỗ trợ nhân dân trong vùng dịch. Để đảm bảo siết chặt giãn cách từ 23/8 đến 15/9, TP.HCM đã được nhiều đơn vị quân đội chi viện lực lượng để chống dịch, chăm lo cho người dân thực hiện yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó".

Theo ông Lâm Minh Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, “Đi chợ giúp dân” là sự nỗ lực rất lớn của Thành phố để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân trong tình hình hiện nay. Theo đó, khi có nhu cầu, người dân liên hệ với Tổ dân phố, Tổ Covid cộng đồng nơi địa phương mình sống để nhận được sự hỗ trợ, nhận được phiếu đi chợ thay, sau khi điền đủ thông tin, người dân gửi lại cho Tổ dân phố hoặc tổ Covid cộng đồng. Sau đó, các đơn vị cơ sở này thực hiện việc đi chợ thay và mang hàng hóa đến cho người dân.

Bước đầu, hình thức “Đi chợ giúp dân” đang được vận hành tốt ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP.HCM. Trên phạm vi toàn Thành phố, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ các đơn vị đã hợp sức cùng địa phương thực hiện phòng, chống dịch. Việc đi chợ, trao hàng hóa có sự giúp đỡ của bộ đội làm cho người dân rất cảm động, an tâm ở trong nhà để đồng hành cùng Thành phố chống dịch. Đồng chí Nguyễn Kim Hiếu, Bí thư Đảng ủy Phường 4, quận Gò Vấp, cho biết, sự hỗ trợ, tăng cường 32 cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thời điểm này là rất kịp thời cho địa phương. Các chiến sĩ cùng hệ thống chính quyền cơ sở đảm trách tổ chức hoạt động chăm lo, đi chợ giúp người dân trên địa bàn.

Tại Phường 11, quận Bình Thạnh, ông Huỳnh Tân Công, Phó Chủ tịch UBND, cho biết, ngay sau khi TP.HCM siết chặt giãn cách, UBND Phường đã thông báo đến tất cả người dân trên địa bàn Phường về việc thực hiện chương trình "Đi chợ giúp dân" thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đối với những người không sử dụng mạng xã hội, Phường gọi điện đến từng hộ dân để thông báo. Hiện tại, UBND Phường 11 đang tiếp nhận 42 chiến sĩ của Sư đoàn 5, Quân khu 7 và 9 chiến sĩ từ Học viện Quân y (Hà Nội) hỗ trợ trong vận chuyển lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân. Cùng đó, UBND Phường còn kết hợp với các chiến sĩ để trao túi an sinh và mua thuốc cho người dân khi họ cần.

Trong suốt hơn một năm qua, cao điểm là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, lực lượng vũ trang đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Và cũng chính từ đó, những ánh sao trên mũ trong đại dịch tiếp tục là điểm tựa tin cậy giúp nhân dân chung sức, đồng lòng sớm đẩy lùi Covid-19.

Chuyên đề