Ảnh minh họa |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật giáo dục đại học (GDĐH) ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực GDĐH, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nổi cộm của GDĐH hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều điểm mới về hoạt động đào tạo
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo quy định mở ngành đào tạo theo hướng làm rõ quyền được tự chủ mở ngành và các cơ sở GDĐH được mở ngành khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ; trừ nhóm ngành sức khoẻ, an ninh quốc phòng.
Về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác; và cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH; đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung thời gian đào tạo theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ GDĐT và cơ sở GDĐH trong việc quy định thời gian đào tạo phù hợp với từng trình độ, hình thức, phương thức đào tạo và người học. Dự thảo cũng cho phép Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định thời gian đào tạo được kéo dài hoặc rút ngắn phù hợp với các trình độ, hình thức, phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.
Về chương trình đào tạo, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng chương trình đào tạo phải bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình GDĐH. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Về tổ chức quản lý đào tạo bỏ quy định về đào tạo theo niên chế để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện tổ chức đào tạo theo tín chỉ.
Về văn bằng GDĐH sửa đổi theo hướng bỏ nội dung liên quan đến quản lý văn bằng theo niên chế để đảm bảo hội nhập và liên thông; bổ sung quyền của cơ sở GDĐH trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH; và cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.