Ảnh minh họa |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, nội dung về hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế được quy định tại Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế. Quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP không phân biệt điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khác. Tuy nhiên, do khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu có những đặc thù riêng biệt, đồng thời hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam ngoài việc thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới. Vì vậy, hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cũng cần có những điều kiện, quy định riêng nhằm vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn phát huy hiệu quả sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Từ tình hình trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP theo hướng quy định tách biệt đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ (không bao gồm tiền của nước có chung biên giới) với đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là cần thiết để quy định các điều kiện khác nhau đối với hai đối tượng này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo cơ sở pháp lý đối với công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý nhà nước đối với việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2016/NĐ-CP của Chính phủ nhằm mục đích: Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để cho phép tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho tổ chức tín dụng được phép nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý tiền của nước có chung biên giới hiện nay; khuyến khích việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.
Bổ sung quy định về cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền
Do hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là hoạt động kinh doanh có điều kiện và cần phải cấp phép nên cần phải quy định về thủ tục hành chính cấp phép hoạt động đối với đối tượng này để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép và đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu.
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định cụ thể về quy trình cấp phép hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho tổ chức kinh tế như sau:
Bước 1: Tổ chức kinh tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sau khi ký hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với TCTD được phép gửi hồ sơ về NHNN chi nhánh tỉnh biên giới để được xem xét, cấp phép.
Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của tổ chức, NHNN chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp Giấy xác nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho tổ chức kinh tế. Trong trường hợp từ chối, NHNN chi nhánh tỉnh biên giới có văn bản thông báo rõ lý do từ chối.
Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định hồ sơ cụ thể đối với các trường hợp đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Hiện nay, chưa có quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép cho tổ chức kinh tế được thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không được ban hành quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính. Vì vậy, việc ban hành chính sách này nhằm bổ sung cơ sở để cấp phép cho các tổ chức kinh tế được thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với đề nghị này tại Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam