Ảnh minh họa |
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, người xin cấp chứng chỉ hành nghề gồm 6 đối tượng sau: 1. Bác sỹ, y sỹ; 2. Điều dưỡng viên; 3. Hộ sinh viên; 4. Kỹ thuật viên; 5. Lương y; 6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất 8 đối tượng thuộc diện phải xin cấp giấy phép hành nghề gồm: 1. Bác sỹ, y sỹ; 2. Điều dưỡng viên; 3. Hộ sinh viên; 4. Kỹ thuật viên; 5. Lương y; 6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền; 7. Cử nhân sinh học, cử nhân hóa học, kỹ sư y học hạt nhân, kỹ sư vật lý y học; 8. Các đối tượng hành nghề khác.
Chính phủ quy định cụ thể các đối tượng hành nghề khác có thể phát sinh trong thực tiễn hành nghề tại Việt Nam.
Cấp giấy phép hành nghề 5 năm/lần
Dự thảo cũng đề xuất quy định giấy phép hành nghề được cấp lần đầu cho người có đủ điều kiện quy định và được cấp gia hạn 5 năm một lần. Giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi cả nước.
Bộ Y tế cho biết, mục tiêu của những đề xuất trên nhằm quản lý chặt chẽ hơn tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục và hoạt động hành nghề đối với tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm người hành nghề được cấp giấy phép hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
Theo Bộ Y tế, thực hiện những đề xuất nêu trên vẫn có thể tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho những đối tượng trước đây đã được quy định trong Luật khám bệnh, chữa bệnh, không làm xáo trộn hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề trong toàn quốc, đồng thời sẽ kịp thời bổ sung các đối tượng hiện nay đang tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa có giấy phép hành nghề. Bên cạnh đó nếu trong quá trình thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh xét thấy có những đối tượng khác có thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định thì giao Chính phủ sẽ kịp thời hướng dẫn để thực hiện bảo đảm việc quản lý chặt chẽ các đối tượng tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó việc gia hạn giấy phép hành nghề 5 năm một lần sẽ giúp khắc phục được một số bất cập hiện nay trong việc quản lý người hành nghề như: Theo dõi liên tục được quá trình hoạt động của người hành nghề, theo dõi được và bắt buộc người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục để tăng cường chuyên môn hành nghề sau khi được cấp giấy phép hành nghề lần đầu. Giúp cơ quan quản lý nắm chắc được số lượng người hành nghề thực sự đang tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc, trong từng chuyên khoa, theo cùng miền, từ đó có những quyết sách quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ y tế để sát thực với nhu cầu của xã hội, tránh lãnh phí do việc đào tạo quá nhiều các đối tượng người hành nghề đang dư thừa và không đào tạo các chuyên ngành thực sự cần thiết cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.