Thu thập thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh minh hoạ). |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Ban Chỉ đạo 896) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo mới đây.
Còn 3 nhiệm vụ quan trọng
Thông báo cho biết, 2020 là năm cuối thực hiện Đề án 896, trong khi đó, để thực hiện thành công còn 3 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ rất quan trọng: Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành văn bản thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên Ban Chỉ đạo 896 phải chủ động hơn, quyết liệt hơn nữa thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm hành động của Chính phủ để tạo sự bứt phá, đồng thời thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Bộ Công an cần khẩn trương thực hiện các bước xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2020, sử dụng, khai thác từ năm 2021, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định.
Các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành các văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình.
Thu thập thông tin dân cư.
Đính chính, chỉnh sửa thông tin chưa chính xác của công dân
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần tiếp tục triển khai cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong quá trình nhập dữ liệu công dân, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và chính quyền các địa phương để bảo đảm thông tin chính xác.
Đối với các trường hợp thiếu, sai sót thông tin, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thông tin cho công dân và phối hợp chặt chẽ với công dân trong đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác trước khi cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời hạn khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân cho đến khi hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giải trình cụ thể các vấn đề liên quan trong tháng 4/2020.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 896, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan để việc xây dựng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp. Xác định các thông tin, dữ liệu cần thiết thu thập và phải tương thích, kết nối, tích hợp được với các cơ sở dữ liệu và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có giải pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân.
Theo Luật Căn cước công dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016), địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.