Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng và sức khỏe của người sử dụng mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác. Đồng thời, ô tô còn là tài sản có giá trị đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam
Là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi. Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ này.
Do vậy, Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được xây dựng dựa trên những mục đích: Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.
Quy định về sản xuất, lắp ráp ô tô
Dự thảo Nghị định quy định rõ về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo đó, chỉ có các doanh nghiệp được thành lập theo các quy định của pháp luật về doanh nghiệp mới được tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Các chủ thể kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp không được tiến hành hoạt động này. Quy định này nhằm bảo đảm các điều kiện đầu tư kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được thực thi một cách hiệu quả và lâu dài, phù hợp với quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Quy định điều kiện về cơ sở vật chất tại dự thảo Nghị định nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra đối với xe xuất xưởng thông qua việc buộc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe ô tô quy định tại Nghị định; bảo đảm trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường thông qua quy định doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng theo quy định tại Nghị định.
Quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn một trong ba hình thức: (i) sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; (ii) thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc (iii) cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm 01 tháng 7 năm 2020, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.