Ảnh minh họa |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về một số nội dung của hợp đồng lao động, trong đó có nội dung về chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Tuy nhiên theo khảo sát ý kiến của người lao động và người sử dụng lao động thì việc quy định chi tiết các nội dung này còn mang tính “cứng nhắc”, chưa linh hoạt, chưa tạo điều kiện để các bên tự do thỏa thuận, do khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải thỏa thuận và ghi cụ thể các nội dung này trong hợp đồng lao động, mặt khác, trong trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì hai bên phải thỏa thuận lại và ghi vào hợp đồng, trong khi các nội dung này thường dài, cụ thể và chi tiết, có những nội dung mang tính kỹ thuật (trang bị bảo hộ lao động). Mặt khác, các nội dung này đã được quy định trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của người sử dụng lao động.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nội dung về hợp đồng lao động theo hướng mở rộng quyền tự do thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động khi có thể thỏa thuận nội dung về nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của người sử dụng lao động. Quy định mới này đảm bảo được nguyên tắc tự nguyện, tự do giao kết hợp đồng lao động theo Điều 17 của Bộ luật Lao động, đồng thời tạo tính linh hoạt cho người sử dụng trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng lao động đối với người lao động.
Cụ thể, theo dự thảo, trong nội dung hợp đồng lao động, chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương: Điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương mà hai bên đã thỏa thuận hoặc theo thỏa ước lao động tập thể, quy chế của người sử dụng lao động.
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau: Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần làm việc; số ngày làm việc trong tuần mà hai bên đã thỏa thuận hoặc theo nội quy lao động của người sử dụng lao động. Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương mà hai bên đã thỏa thuận hoặc theo nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: Ghi cụ thể số lượng, chủng loại và thời hạn sử dụng của phương tiện bảo vệ cá nhân mà người sử dụng lao động trang cấp cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại mà hai bên đã thỏa thuận hoặc theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của người sử dụng lao động...