Sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào ngày 20/3/2016 |
Theo đó, bị can Trần Văn Giang (38 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Ông Phan Thế Thượng (64 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) bị đề nghị truy tố về các tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.
Theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa, Hội đồng định giá tài sản xác định cầu Ghềnh thời điểm bị sập vào ngày 20/3/2016 có giá trị 14,3 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty vận tải thương mại đường sắt là những đơn vị yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trước đó, ông Phan Thế Thượng và Trần Văn Giang từng bị đưa ra xét xử về các tội danh trên vào hồi cuối tháng 3/2018. Tuy nhiên, do việc định giá tài sản thiệt hại trong vụ sập cầu chưa rõ nên tòa tuyên hoãn và trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ông Thượng và Giang được tòa tuyên tại ngoại để phục vụ điều tra.
Theo hồ sơ vụ việc, ông Thượng là chủ tàu kéo và biết rõ phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn giao cho Giang sử dụng dù anh này không có bằng thuyền trưởng. Sáng 19/3/2016, Giang chạy tàu trên và đẩy theo sà lan chở cát cát từ sông Cổ Chiên ở Trà Vinh lên Đồng Nai. Lúc này, trên tàu không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định.
Đến 11h30 ngày 20/3/2016, Giang dùng tàu kéo để đẩy sà lan cát đến cầu Đồng Nai Lớn (cầu Ghềnh, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) thì sà lan va vào trụ số 2 khiến cầu Ghềnh bị sập. Tổng thiệt hại tài sản trong vụ này ban đầu được xác định là 21,8 tỷ đồng.
Trong các ngày 14/11/2017, 28/2/2018 và 29/3/2018, TAND TP Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó tuyên hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung do việc định giá tài sản và tư cách tố tụng của bên thiệt hại chưa được làm rõ.