Đề nghị trả lại 8.054 tỷ đồng vốn nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến ngày 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn nước ngoài với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách, Bộ đã tích cực làm việc trực tuyến và trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn nếu đầy đủ hồ sơ.

Tính đến 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành. Tất cả hồ sơ rút vốn đều đã được xử lý khẩn trương, các đơn rút vốn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót đều được phối hợp với chủ dự án để giải quyết, đến nay không còn tồn đọng đơn rút vốn.

Về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 9 tháng năm 2021 của các bộ, ngành, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong đó nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng (của bộ, ngành là 16.637 tỷ đồng; địa phương là 34.913 tỷ đồng). Các bộ, ngành nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đến hết tháng 9/2021 là 13.043 tỷ đồng, đạt 78%. Đến 6/10/2021, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 6/10/2021, Bộ đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Mặc dù các cơ quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân, tuy nhiên với thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm có thể thấy việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Chuyên đề