PVN kêu khó thoái vốn với khối lượng lớn. Ảnh minh họa: Internet |
Trước đó, PVN cho biết, khó thực hiện việc thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 do khối lượng vốn thoái lớn và phải đảm bảo lợi ích tối ưu cho Nhà nước nên kiến nghị lùi thời hạn thoái vốn.
Trả lời kiến nghị này của PVN, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, đề nghị PVN triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, ngân hàng, quỹ đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm) như: Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI), Công ty CP Đông Dương Xanh, PVcomBank, PVI…
Về mốc thời gian trong quy trình cổ phần hóa, theo Bộ Tài chính, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; về điều kiện, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và việc tổ chức đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược.
Việc tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cần thực hiện cùng với thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa để đảm bảo lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Việc quy định cụ thể thời gian, tiến độ hoàn thành việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là phù hợp để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo quy định.
Trường hợp gặp vướng mắc đặc thù, các nội dung phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.