TP.HCM cần tới 14.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các cảng hiện hữu trong giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Lê Tiên |
Gần 29.000 tỷ đồng phát triển giao thông thủy
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố cần gần 29.000 tỷ đồng để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, vận tải thủy. Trong đó, TP.HCM ưu tiên phát triển hệ thống cảng mới, nâng cấp bến cảng hiện hữu.
Cụ thể, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 5 cảng là 8.670 tỷ đồng. Đó là, cảng cạn ICD Long Bình trên sông Đồng Nai (quy mô xây dựng 50 ha) có nhiệm vụ tiếp nhận, lưu thông hàng hóa cho khu vực Bình Dương, Đồng Nai đến Cát Lái, Cái Mép và Hiệp Phước; cảng cạn ICD Củ Chi có diện tích xây dựng dự kiến là 10 ha; cảng cạn tại Khu công nghệ cao (quy mô hơn 6 ha) xây dựng trên rạch Ông Nhiêu sẽ đảm nhận trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ và cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC. Nếu đầu tư sớm 5 cảng nói trên, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ tận dụng tốt lợi thế hơn 1.000 km đường thủy và giúp giải tỏa cho vận tải đường bộ vốn đang bị quá tải trầm trọng.
Ngoài xây dựng mới 5 cảng, TP.HCM cần tới 14.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các cảng hiện hữu, đáp ứng yêu cầu phát triển, lưu thông hàng hóa. Đó là nâng cấp, mở rộng cảng Cát Lái - trung tâm logistics của TP.HCM cũng như khu vực lân cận với tổng kinh phí 8.000 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng cảng Phú Định (giai đoạn 2, 3) cần 5.000 tỷ đồng; nâng cấp cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, cảng Ba Son…
TP.HCM sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường thủy nội địa vành đai trong. Đây là tuyến thủy nội địa huyết mạch có tổng chiều dài 30 km, gần như khép kín sông Sài Gòn nội đô.
Ngoài ra, hơn 5.000 tỷ đồng là kinh phí để TP.HCM xây dựng tuyến đường thủy vành đai ngoài với tổng chiều dài 110 km. Đây là tuyến đường thủy khép kín sông Sài Gòn vành ngoài…
Ưu tiên xã hội hóa bằng kênh dẫn vốn PPP
Theo UBND TP.HCM, tổng nhu cầu vốn dự kiến cho phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2030 lên tới 970.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 399.729 tỷ đồng; nguồn vốn khác (trung ương, ODA, PPP...) khoảng 570.925 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong tổng kinh phí 8.670 tỷ đồng để xây dựng 5 cảng mới, ngân sách thành phố hiện chỉ sắp xếp được 10%, tức 870 tỷ đồng. Số vốn còn lại để đầu tư xây dựng 5 cảng này phụ thuộc vào nguồn vốn trung ương và đặc biệt là nguồn tài chính tư nhân từ kênh PPP.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện nguồn vốn cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 đang rất khó khăn dẫn tới hàng loạt dự án bị chậm tiến độ. Một số dự án thực hiện theo phương thức PPP chưa thể triển khai và việc đầu tư theo phương thức này cũng gặp nhiều khó khăn. Danh mục các dự án hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông thủy nói riêng dù Thành phố liên tục kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhiều nhà đầu tư hào hứng.
“Tuy nhiên, để giải bài toán vốn cho hạ tầng đường thủy, TP.HCM vẫn luôn ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư tham gia theo phương thức PPP”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong tổng kinh phí 8.670 tỷ đồng để xây dựng 5 cảng mới, ngân sách thành phố hiện chỉ sắp xếp được 10%, tức 870 tỷ đồng. Số vốn còn lại để đầu tư xây dựng 5 cảng này phụ thuộc vào nguồn vốn trung ương và đặc biệt là nguồn tài chính tư nhân từ kênh PPP.
“Hiện hàng loạt dự án giao thông đường bộ trọng điểm như nút giao Mỹ Thủy, đường liên cảng Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định, đường Nguyễn Duy Trinh… đều có tính kết nối đồng bộ với hệ thống cảng của TP.HCM. Nếu không tận dụng mọi kênh dẫn vốn như PPP vào các dự án đường thủy sẽ không phát huy được hàng trăm ngàn tỷ đồng đã và đang đầu tư cho mạng lưới này. Do đó, Thành phố sẽ chuẩn bị thật kỹ lưỡng khâu lập dự án, nâng cao chất lượng các dự án PPP đường thủy để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đồng thời, pháp luật về PPP đang dần hoàn thiện, Thành phố mong muốn cơ chế sẽ rõ ràng, phối hợp hiệu quả để nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn”, đại diện UBND TP.HCM cho biết.