Đầu tư phát triển đường sắt phải phù hợp với nguồn lực quốc gia

(BĐT) - Sáng 15/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp. Vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2005 - 2015 bình quân chỉ chiếm 4,4% so với toàn ngành giao thông vận tải, riêng năm 2015 chỉ chiếm 1,6%. Trong Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn bố trí cho đường sắt rất ít so với nhu cầu. Với số vốn bố trí theo kế hoạch này thì đường sắt trong những năm tới sẽ khó thực hiện chiến lược, quy hoạch đã đặt ra.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Hiện Việt Nam là một trong số ít nước còn lại trên thế giới vẫn sử dụng đường sắt khổ 1m.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực UBKHCN&MT đã rà soát, chỉnh sửa Điều 5 về chính sách phát triển đường sắt tại Dự thảo Luật theo hướng Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt được phê duyệt; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt;… Trong tất cả các chương, điều của Dự thảo Luật đều hướng tới mục tiêu này.

Ủng hộ chính sách phát triển đường sắt, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần xem xét việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư một cách phù hợp thực tế, khả năng của nguồn lực đất nước. Nếu hỗ trợ quá nhiều thì ngành đường sắt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt vì quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt, cần áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, UBTVQH nhất trí Luật cần quy định những chính sách để tạo ra sự đột phá trong ngành đường sắt, đồng thời xã hội hóa và thực hiện cơ chế thị trường một cách toàn diện, đầy đủ trong tất cả các khâu kinh doanh, áp dụng chính sách giá là chủ yếu, phí chỉ áp dụng với các dịch vụ mang tính phục vụ hành khách.

Chuyên đề