Đấu thầu “số” lên ngôi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2020, hầu như mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đều bị đảo lộn. Tuy nhiên, sau 1 năm nhìn lại, lĩnh vực đấu thầu đã vận hành trơn tru, hiệu quả do có sự chủ động từ nhiều phía, đặc biệt là từ chính sách.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các công trình dự án qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các công trình dự án qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Phập phồng… đấu thầu mùa dịch

Khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các gói thầu đã được phê duyệt từ trước Tết Nguyên đán 2020, những ngày đi làm lại đầu tiên của năm mới, các chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) bắt tay vào triển khai mời thầu. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã thống kê được hàng trăm gói thầu mời thầu, mở thầu hoàn toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội lần thứ nhất, tức trong tháng 4/2020. Ngặt nghèo hơn, gần như các gói thầu tìm nhà thầu trong bối cảnh căng như dây đàn này lại tập trung vào khối bệnh viện công lập, tức là nơi mỗi ngày, mỗi giờ đều có hàng trăm, hàng ngàn người ra vào, phức tạp trong kiểm soát.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực hết mình của các CĐT/BMT, công tác mời thầu các gói thầu mua thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh đều suôn sẻ, thành công. Tại TP.HCM, các gói thầu lớn tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thống Nhất… đều lựa chọn được đơn vị cung cấp, nguồn thuốc không gián đoạn.

Còn đối với các BMT là ban quản lý dự án chuyên nghiệp, công tác phòng ngừa dịch bệnh khi tổ chức đấu thầu được đặt lên hàng đầu. Đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang và giãn cách trong các buổi mở thầu… đều được các BMT tuân thủ nghiêm ngặt.

Trò chuyện với Báo Đấu thầu, BMT của nhiều gói thầu xây lắp có kết quả ngay trong thời điểm dịch hoành hành nặng nề nhất - tháng 3, tháng 4, tháng 7 và tháng 8/2020 cho biết đã có sự chuẩn bị và ứng phó chuyên nghiệp.

“Công tác khởi công, động thổ diễn ra gọn nhẹ, đơn giản nhất so với trước đây, kể cả các gói thầu xây lắp trị giá hơn 500 tỷ đồng. Không tập trung đông người, không rình rang các thủ tục, quan trọng nhất là đảm bảo giãn cách theo đúng yêu cầu và triển khai thi công ngay”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết.

Sau khi trúng thầu, các nhà thầu xây lắp luôn phải cập nhật quy định mới về giãn cách phòng ngừa dịch, giãn tiến độ thi công công trình không cấp bách. “Chúng tôi đầu tư luôn buồng khử khuẩn để công nhân, kỹ sư mỗi khi vào ca bắt buộc phải khử khuẩn, đo thân nhiệt, yêu cầu khi thi công không quá 20 người một sàn. Mọi bề mặt công trình thi công, các phương tiện, máy móc thiết bị đều phải được sát khuẩn ngày hai lần. Đau đầu nhất chính là giám sát lịch di chuyển của người lao động, đặc biệt nhóm thợ công nhật. Thực sự, thi công trong mùa dịch có quá nhiều xáo trộn, tốn kém chi phí. Nhà thầu, CĐT luôn trong tâm trạng phập phồng”, một đơn vị xây dựng dân dụng tại TP.HCM chia sẻ.

Đấu thầu qua mạng phát huy sứ mệnh

Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác đấu thầu của cả nước vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng đậm nét, đấu thầu qua mạng có thể coi là trục xương sống. “Khi đại dịch xảy đến, công tác chuẩn bị, xây dựng lộ trình, quyết tâm vận hành tốt Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã phát huy được lợi thế, sứ mệnh to lớn của đấu thầu qua mạng trong bối cảnh mới”, ông Trương khẳng định.

Theo số liệu của Cục Quản lý đấu thầu, các giải pháp nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho nhà thầu, CĐT/BMT khi tham gia đấu thầu qua mạng, tăng tỷ lệ đấu thầu qua mạng đã khiến năm 2020 thực sự là thời kỳ hoàng kim của đấu thầu qua mạng. Thống kê đến cuối tháng 12/2020, cả nước có khoảng 38.000 BMT và 115.000 nhà thầu được phê duyệt đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Năm 2020 có gần 90.000 gói thầu đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 227.242 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng số lượng và 53,7% tổng giá trị gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh có thể áp dụng đấu thầu qua mạng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu.

“Đấu thầu qua mạng phát huy hiệu quả cao độ trong bối cảnh dịch bệnh, khi nhà thầu không phải đi mua hồ sơ mời thầu, không phải cất công đi nộp hồ sơ dự thầu, không dự mở thầu trực tiếp…, giúp hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam nhận xét.

Tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Phước…, đấu thầu qua mạng đã trở thành làn sóng cuốn đi những rào cản, tồn tại vốn gây bức xúc trong thời gian dài cho nhà thầu như: không bán hồ sơ mời thầu, gây khó khăn cho nhà thầu khi dự thầu… “Những ngày dịch bệnh hoành hành như vậy mới thấy được giá trị, hiệu quả của đấu thầu qua mạng”, ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước - địa phương giữ ghế quán quân về đấu thầu qua mạng năm 2019 - cho biết.

Thống kê của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho thấy, Thanh Hóa là một trong những địa phương có sự bứt tốc về đấu thầu qua mạng với tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng tăng từ 64,5% năm 2019 lên 95,5% trong năm 2020, vượt kế hoạch của Tỉnh. Để có thành quả này, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị được giao làm CĐT các dự án, gói thầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh nếu không hoàn thành tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng.

Tại TP.HCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất… là những đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm về đấu thầu qua mạng, nhưng năm 2020, các BMT này đều coi đấu thầu qua mạng là “cứu cánh”. “Tất cả các gói thầu mà BMT xác định áp dụng được hình thức đấu thầu qua mạng thì áp dụng 100%. Không có bất kỳ khó khăn, rào cản nào đối với BMT cũng như các nhà thầu trong việc đấu thầu những ngày cao điểm dịch bệnh. Những cải tiến tối ưu của đấu thầu qua mạng hỗ trợ nhà trường rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đại diện Trường Đại học Tài chính - Marketing khẳng định.

Tại Hà Nội và TP.HCM, năm 2020, lãnh đạo 2 thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng. Cả 2 thành phố lớn nhất nước đều căn cứ kết quả tổng kết việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng hàng năm để đánh giá về việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị.

Quyết tâm và cách làm sáng tạo của các đơn vị, địa phương đã mang đến một năm thành công cho đấu thầu qua mạng, cũng là một năm công tác đấu thầu vươn mình vượt qua đại dịch một cách hiệu quả.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư