Hồ sơ mời thầu được xây dựng theo hướng ưu tiên thang máy nhập khẩu. Ảnh minh họa: Lam Sơn |
Theo chia sẻ của Nhà thầu, quá trình khảo sát, nghiên cứu HSMT, Nhà thầu nhận thấy một số điểm bất hợp lý tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, chưa phù hợp với định hướng, chủ trương của Nhà nước trong việc tăng cường vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá về giá, HSMT được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng hóa nhập khẩu thông qua hệ số K (hệ số đánh giá dựa trên thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm). Theo công thức xác định giá dự thầu, hệ số K càng lớn, giá dự thầu càng cao.
Tại HSMT, hệ số K được quy định: thang máy sản xuất tại các nước G7, áp dụng hệ số K = 1; thang máy sản xuất tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Úc, Nga, Hàn Quốc, áp dụng hệ số K = 1,5; thang máy sản xuất tại các nước khác, áp dụng hệ số K = 2,5. “Qua đó có thể thấy, thang máy sản xuất trong nước bị đánh giá thấp nhất theo hệ số này”, Nhà thầu nhận định.
Bên cạnh đó, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu mã hiệu thang máy Meta200. “Đây là một mã hiệu hoàn toàn xa lạ, ít thông dụng, không được bao hàm trong bất kỳ thương hiệu thang máy nổi tiếng nào, ngay cả trong và ngoài nước. Chúng tôi không biết Bên mời thầu căn cứ vào tiêu chí nào để áp dụng mã hiệu trên đối với sản phẩm mời thầu? Do đó, không loại trừ trường hợp tiêu chí này nhằm mục đích định hướng, tạo lợi thế cho một nhà thầu nhất định nào đó”, Nhà thầu băn khoăn.
Cũng theo Nhà thầu trên, với đặc tính thang máy trong HSMT có tải trọng 900kg, tốc độ 60m/ph, 5 điểm dừng, đây hoàn toàn là sản phẩm nằm trong năng lực của các đơn vị sản xuất trong nước theo đánh giá của Bộ Công Thương.
Trong khi đó, Bên mời thầu khẳng định, việc xây dựng tiêu chuẩn theo phương pháp giá đánh giá như tại HSMT hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời nhằm mục đích chọn được sản phẩm chất lượng cao. Đối với quy định liên quan đến mã hiệu Meta200, Bên mời thầu lý giải rằng, việc nêu cụ thể đặc tính kỹ thuật của sản phẩm giúp cho các nhà thầu dễ chào thầu hơn. Song, Bên mời thầu vẫn khuyến khích các nhà thầu dự thầu với sản phẩm có thông số cao hơn thông số mời thầu, nhằm đáp ứng chất lượng hàng hóa, đảm bảo trong quá trình vận hành, sử dụng, tiết kiệm được chi phí bảo trì, bảo hành về sau. Do đó, Bên mời thầu bảo lưu toàn bộ nội dung HSMT.
Được biết, Gói thầu có giá dự toán 1.256.150.000 đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 54,848 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ và ngân sách ngành, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ. Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu là KBNN Tiền Giang, giao Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc Nhà Việt lập HSMT.
Hiện tại, Bên mời thầu đang trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của 2 nhà thầu tham dự gồm: Công ty TNHH Cơ điện lạnh Đại Thắng (giá dự thầu 1,239 tỷ đồng) và Công ty TNHH Hoàng Phúc (giá dự thầu 1,15 tỷ đồng).
Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu cụ thể để minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình dự thầu.
Cũng theo ông Tăng, đối với phương pháp giá đánh giá, pháp luật về đấu thầu cho phép quy đổi tất cả các tính năng của hàng hóa (mức độ tiêu hao năng lượng, chi phí bảo trì, sửa chữa...) về một mặt bằng đánh giá. Tuy nhiên, pháp luật về đấu thầu hiện hành không quy định cụ thể giá trị hệ số K trong trường hợp này, theo đó, khi quy định về hệ số K để đánh giá, điều quan trọng nhất là Bên mời thầu phải chỉ ra được cơ sở để xác định giá trị hệ số K tại HSMT. Trường hợp giá trị hệ số K giữa các xuất xứ có sự chênh lệch quá lớn, có thể dẫn đến các hạn chế cạnh tranh.