Tình trạng chỉ định cho một nhà thầu duy nhất ở Long An thực hiện các gói thầu chỉnh lý tài liệu kéo dài trong nhiều năm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tìm hiểu của Báo Đấu thầu cho thấy, Đề án giải quyết tài liệu tích đống của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Long An giai đoạn 2018 - 2021 có tổng kinh phí 134.269.060.841 đồng. Sở Nội vụ tỉnh Long An chủ trì phối hợp triển khai thực hiện Đề án, đồng thời giao Chi cục Văn thư lưu trữ kiểm tra, theo dõi đôn đốc thực hiện.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, tại tỉnh Long An, công tác chỉnh lý tài liệu, lưu trữ đều thực hiện bằng việc chỉ định thầu, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Đơn vị duy nhất được chỉ định là Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Long An. Trong khi đó, theo các chuyên gia đấu thầu, công tác chỉnh lý tài liệu thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Do đó, việc triển khai các gói thầu thuộc Đề án phải tuân thủ quy định Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, việc chỉ định thầu các gói thầu chỉnh lý tài liệu xuất phát từ 2 lý do chính. Đầu tiên là tài liệu lưu trữ tích đống, bó gói lộn xộn nhiều năm nên chưa xác định được có chứa các tài liệu, văn bản mật hay không, rất nhiều văn bản có nội dung quan trọng, nhạy cảm. Thứ 2, đây là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện để khắc phục ngay và xử ký kịp thời nhằm bảo đảm các tài liệu được lưu trữ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, cách trả lời của tỉnh Long An khiến nhiều nhà thầu trong lĩnh vực chỉnh lý tài liệu bức xúc. Một nhà thầu cho biết, theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 7/9/2017, các cơ quan trong cả nước đã tích cực thúc đẩy quá trình “giải quyết dứt điểm tài liệu đang bị bó gói, tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức”. Nhiều bộ ngành, địa phương đã và đang tích cực tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, việc cho rằng phạm vi các gói chỉnh lý tài liệu tích đống đều phải thuộc bí mật nhà nước là chưa có cơ sở. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định tài liệu bí mật nhà nước phải nằm trong danh mục bí mật nhà nước do người có thẩm quyền ban hành.
Khi xác định được tài liệu nằm trong danh mục tài liệu bí mật nhà nước thì Chương III, Điều 10 của Luật này quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước, độ mật, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” và “Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật hoặc hình thức khác phù hợp với hình thức chứa bí mật nhà nước”. “Như vậy, tài liệu bí mật nhà nước là loại tài liệu được lưu trữ, bảo quản và xử lý hoàn toàn riêng biệt, không thể lẫn trong tài liệu tích đống tại các cơ quan được”, một nhà thầu cho biết.
Lý do cấp bách, cần thực hiện khắc phục ngay và xử lý kịp thời để chỉ định thầu tại Long An cũng khiến nhiều chuyên gia đấu thầu băn khoăn. “Lý do này thực sự không thuyết phục do tài liệu tích đống đã tồn tại hàng chục năm, việc xây dựng Đề án đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài. Tài liệu tích đống không phải là sự cố, bất khả kháng để so sánh với thiên tai như vỡ đê, dịch bệnh nhằm áp dụng chỉ định thầu”, một chuyên gia đấu thầu nhận định.
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2016 đến ngày 15/4/2022, cả nước có 1.706 gói thầu chỉnh lý tài liệu, lưu trữ được công bố mời thầu rộng rãi, 1.120 kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai.
Qua khảo sát, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Long An mới công khai kết quả 9 gói thầu thuộc lĩnh vực chỉnh lý tài liệu, lưu trữ và đều do các đơn vị không thuộc phạm vi Đề án nói trên làm bên mời thầu. Như vậy, chưa kể đến lý do chỉ định thầu các còn gây tranh cãi, việc tuân thủ quy định về công khai thông tin, trình tự chỉ định thầu thực hiện các gói thầu thuộc Đề án là chưa phù hợp.