Luật sư Nguyễn Phú Thắng |
PV: Đề xuất đánh thuế tài sản hay đánh thuế ngôi nhà thứ 2 của Bộ Tài chính mới đây đang gây nhiều tranh cãi. Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư, khi Luật đánh thuế tài sản được hiện thực hoá sẽ có tác động thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Thuế là nguồn thu chủ yếu của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên khi đề xuất một luật thuế mới cần phải xem tác động của văn bản quy phạm pháp luật đến những người trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đánh thuế tài sản có thể có nguy cơ làm nhụt ý chí làm giàu của doanh nghiệp hay mỗi công dân. Từ đó người ta không có nhu cầu đầu tư vào BĐS nữa mà đầu tư vào những kênh khác mà cơ quan chức năng khó kiểm chứng hơn, ví dụ như vàng, chứng khoán, cổ phiếu hay thậm chí mua nhà nước ngoài.
Theo tôi, khi đề xuất Luật thuế này, phải hết sức cân nhắc nếu không, có dẫn đến thất thoát dòng tiền ra khỏi dải đất hình chữ S. Tôi nghĩ đề xuất này mới chỉ là ý kiến, để hiện thực hoá cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự phản biện kịp thời của các chuyên gia kinh tế, tổ tư vấn Chính phủ, các chuyên gia đâu ngành, chuyên gia luật, các cơ quan quản lý NN như Bộ Tư pháp, Uỷ ban Tư pháp. Tránh tình trạng một văn bản pháp luật rơi vào nguy cơ xới lên lại để đấy hoặc ban hành xong chết yểu.
PV: Muốn xây dựng Luật Thuế tài sản, cần phải thực hiện những bước như thế nào để đúng quy trình và chặt chẽ thưa ông?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Chủ trương đã có nhưng muốn triển khai xây dựng Luật Thuế tài sản cần thực hiện đúng quy trình. Theo đó, Chính phủ lấy ý kiến về chủ trương xây dựng luật, đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật tại kỳ họp nhất định. Nếu Quốc hội thông qua, lúc đó mới bắt đầu làm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Zing
Quá trình xây dựng dự thảo sẽ nhận được rất nhiều phản hồi từ người dân, doanh nghiệp, chuyên gia. Phải tập hợp những phản hồi này lại, Ban Dự thảo phải có những thành viên chuyên trách để hồi âm những thắc mắc, những câu hỏi đó. Một thực tế từ xưa đến nay là khâu phản hồi của ta làm rất yếu, có những địa phương làm theo kiểu qua loa.
Điều nguy hiểu nhất của một luật mới ra đời là khiến người ta hiểu theo hai hay nhiều cách khác nhau, không mang tính thống nhất, mỗi vùng, mỗi miền hiểu một kiểu, như vậy không phải là luật. Tôi nghĩ, việc áp một mức thuế vào đánh thuế tài sản, chắc có thể áp dụng vào nhiều tài sản khác nữa chứ không riêng gì ngôi nhà thứ 2. Bộ Tài chính phải cân nhắc kỹ. Quan trong nhất là công tác góp ý dự thảo và phải có lộ trình. Không thể làm kiểu bất ngờ, đột ngột.
PV: Đã có những lo ngại khi Luật thuế tài sản ra đời có thể sẽ dẫn đến câu chuyện lách luật. Ông nghĩ sao về điều này?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Đề xuất đánh thuế tài sản hay đánh thuế ngôi nhà thứ 2 trở lên cũng giống như câu chuyện hạn chế xe máy những năm nào. Bộ công an quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy. Điều này dẫn đến việc nhiều người đã nhờ gia đình, bạn bè, người quen đứng tên hộ. Hệ luỵ của nó đến nay cơ quan chức năng vẫn đang phải giải quyết vì rất nhiều xe không tìm được chính tên, chính chủ. Thông tư này cuối cùng cũng phá sản.
Vì thế, Luật thuế tài sản hay đánh thuế ngồi nhà thứ 2 có nguy cơ sẽ làm xã hội loạn lên vì nhiều tranh chấp hơn do xuất hiện những tình huống như nhờ con cái, cháu chắt đứng hộ tên tài sản để lách luật, tránh thuế.
BĐS có giá trị lớn, vì thể việc tranh chấp sẽ trở nên phức tạp hơn, nguy cơ tranh chấp cũng cao hơn. Một nguy cơ nữa là thất thoát dòng tiền và không hút được dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, khi luật thuế này ra đời cần phải chấp nhận một sự xáo trộn nhỏ trong trật tự xã hội. Chúng ta cũng cần lường trước cơ chế giải quyết các tình huống, ngoài ra cũng phải nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Bởi trước đây, dân ta thường tin nhau hơn cả pháp luật. Có những giao dịch, thương lượng chỉ thông qua một tờ giấy hay thậm chí giao dịch trực tiếp bằng lời nói chứ không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào đúng theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn ông!