Trân trọng những cống hiến âm thầm của Giáo sư Tôn Thất Triêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn tình yêu thương và sự tử tế sẽ lan tỏa đến thật nhiều người trong xã hội |
Câu chuyện trên hành trình khoảng 1.000 bước chân của tôi và Huyền là về nhân duyên các em được gặp người thầy đặc biệt: Giáo sư Tôn Thất Triêm. Em kể, Dàn hợp ca Hy vọng có khởi đầu từ nhóm học sinh may mắn được Thầy Tôn Thất Triêm dạy âm nhạc cách đây gần 20 năm. Hồi đó, Thầy đến khu nội trú của Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy các em khiếm thị đàn, hát. Từ những học sinh non nớt ban đầu, Thầy dần trao cho các em kiến thức âm nhạc, giúp các em cảm nhận niềm hạnh phúc được rèn rũa tài năng để hiến tặng tiếng hát và tình yêu cho cuộc đời.
Khi các em hoàn thành khóa học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, không gian học tập của Dàn hợp ca Hy vọng được chuyển về ngôi nhà nhỏ của Giáo sư Tôn Thất Triêm, trên khu phố Láng Hạ (Hà Nội). Lớp học được tổ chức hàng tuần, đều đặn suốt bao nhiêu năm. Huyền kể, trong căn phòng giản dị của vợ chồng Giáo sư luôn có một đĩa kẹo và thỉnh thoảng có thêm những món quà được Thầy và người vợ của Thầy - nghệ sỹ opera Xuân Thanh - dành dụm lại, chia cho các em. Suốt 20 năm bền bỉ dạy học, Thầy không nhận một đồng học phí nào. Thầy dành tình thương đến từng học trò, cố gắng kết nối các mối quan hệ cho các em được biểu diễn, được hát, được học tập để có thêm kiến thức, thêm thu nhập và thêm niềm tin yêu cuộc đời.
Hợp ca Hy vọng được chụp ảnh cùng các đại sứ sau khi biểu diễn thành công tại sự kiện mừng ngày Lễ Chiến thắng (1945 - 2015) |
Câu chuyện cứ thế theo chúng tôi trên con đường từ Lăng Bác về Hội trường lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau những bước chân dò dẫm và câu chuyện vô tư Huyền kể, tôi được chứng kiến những gương mặt rạng ngời hạnh phúc đứng ngay ngắn, chờ đợi người Thầy vang lên bản đàn quen thuộc. Như thường lệ, bài hát đầu tiên là “Bài ca Hy vọng”. Giáo sư Tôn Thất Triêm ngồi bên cây đàn piano quen thuộc phía trái hội trường, từng phím đàn ngân lên giao hòa cùng tiếng hát. Cả hội trường lắng lại trong dòng chảy của âm nhạc đỉnh cao, trong trẻo, yêu thương đến vô cùng…
“Nguyện cầu Hòa bình” là tên một chương trình nghệ thuật do Hợp ca Hy vọng thực hiện tại Đại sứ quán Ukraine và Đại sứ quán Nga tại Việt Nam |
Giáo sư Tôn Thất Thiêm là nghệ sỹ duy nhất của Việt Nam đạt danh hiệu Nghệ sỹ Piano hòa tấu xuất sắc nhất tại 4 cuộc thi âm nhạc quốc tế: Tchaikovski (Moscow 1990), Glinka (Xmôlen 1993), Gulaev (1993), Kaliningrad (1994). Ông cũng là nghệ sỹ nước ngoài duy nhất được mời làm giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp Văn hóa Quốc gia Moscow (1992 - 1996). Vợ ông, nghệ sỹ Opera Xuân Thanh cũng là một nghệ sỹ nổi tiếng, từng được nhận giải thưởng nữ ca sỹ xuất sắc tại Tchaikovski (1986); San Francisco (1988); Glinka (1993); Italy (1994)… Sau những năm làm việc tại nước ngoài, vợ chồng Giáo sư Tôn Thất Triêm trở về Việt Nam và dành tâm sức dìu dắt Dàn hợp ca Hy vọng. Ông dạy nhạc, dạy văn hóa, dạy học ngoại ngữ, với tâm thế bao dung của một người cha, nhẫn nại của một người Thầy. Để vỡ được 1 bản nhạc, với người bình thường đã rất khó, với người khiếm thị, thì khó khăn đến chừng nào… Nhưng Giáo sư Tôn Thất Triêm đã làm được. Nhiều năm kiên nhẫn với từng học trò, Dàn hợp ca Hy vọng hoàn chỉnh đến mức, những giây phút các em cất lên tiếng hát là những giây phút làm trái tim người nghe rung động. Không chút bi lụy nào, mà ngược lại, nguồn năng lượng từ những học trò khiếm thị của Giáo sư Triêm lan tỏa niềm tin, hy vọng và những ước mơ tươi mới với đời…
Hợp ca Hy vọng cất tiếng hát mừng Quốc khánh C.H.L.B Đức ngày 3/10/2023 |
Biểu diễn thành công trong nhiều sự kiện ngoại giao của đất nước như lễ Quốc khánh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Iran, Italy, Brunei Darussalam, Luxembourg, Kuwait, Australia, Algeria, Thụy Sĩ…, Giáo sư Tôn Thất Triêm không ít lần khiến các vị khách quốc tế phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ tài năng người Việt. Bản giao hưởng số 9 “Hướng tới niềm vui” của Beethoven cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác được các học trò thầy Triêm cất lên tiếng hát bằng 15 thứ tiếng. Trong một lá thư của Đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Marine gửi Giáo sư Tôn Thất Triêm có đoạn viết: “Ông đang làm những điều kỳ diệu bằng cách tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau ở mọi cấp độ thông qua văn hóa và nghệ thuật biểu diễn. Tôi nghiêng mình trước những nỗ lực của ông. Xin ông hãy tiếp tục công việc tốt đẹp này”.
Trong lần biểu diễn mừng Quốc khánh Đức, Dàn hợp ca Hy vọng của Giáo sư được nhận lời khen nồng ấm của Ngài Đại sứ: “Tôi đã nghe Quốc ca Đức không biết bao nhiêu lần, nhưng khi nghe các em hát, tôi cảm động quá...”. Thời kỳ cuộc chiến Nga - Ukraine diễn biến căng thẳng, các học trò của Giáo sư Tôn Thất Triêm đã đến sứ quán 2 quốc gia đối lập, cất lên những lời hát kêu gọi hòa bình… Mừng Noel năm ngoái, Dàn hợp ca âm thầm về nhà thờ tại Bắc Ninh, hiến tặng tiếng hát, tiếng đàn cho những người dân bình dị… Nhận về những lá thư, những lời khen sau các chương trình biểu diễn, Giáo sư Tôn Thất Triêm chia sẻ, ông rất xúc động và hạnh phúc. Ông biết ơn từng người đã lắng nghe Dàn hợp ca Hy vọng và biết ơn cả những học trò của mình - những học trò không nhìn thấy ánh sáng, nhưng luôn cố gắng học tập để đóng góp khiêm nhường cho cuộc đời.
Hợp ca Hy vọng hát mừng Quốc khánh Pháp ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội |
Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận bảo trợ 8 nhóm yếu thế, trong đó có Dàn hợp ca Hy vọng của Giáo sư Tôn Thất Triêm. Từ đây, tôi may mắn được biết về người Thầy đặc biệt. Mỗi lần ông cùng các học trò hoàn thành một tác phẩm âm nhạc, tôi thường thấy ông đứng lên, nở một nụ cười đôn hậu cúi chào khán giả, rồi lặng lẽ rời xuống cuối hội trường. Người vợ của ông, nghệ sỹ Xuân Thanh đưa các học trò về chỗ ngồi và tất bật lấy từng cốc nước, từng cái bánh mang đến cho các em… Có lần tôi đến ngồi bên ông, tỏ ý muốn trò chuyện đôi điều với ông, nhưng Giáo sư đã thấm mệt. Ông đưa cho tôi 1 tấm card và bảo, Thầy chỉ mong Dàn hợp ca Hy vọng có thêm cơ hội được biểu diễn, cho các em có niềm vui cống hiến và vơi bớt khó khăn đời thường.
Cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton chụp hình lưu niệm với Hợp ca Hy vọng khi Hợp ca biểu diễn nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ |
Trong chia sẻ với 8 nhóm yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ vào cuối năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận sự tiến bộ của từng nhóm, ghi nhận nỗ lực đổi mới sáng tạo, mở rộng hoạt động, tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ của nhóm Thương Thương Handmade, nhóm Kym Việt, nhóm Tâm Ngọc, nhóm Vụn Art, nhóm Thành Nguyễn... Riêng với Dàn hợp ca Hy vọng, Bộ trưởng dành tặng lời khen: “Các bạn hát quá giỏi, quá hay. Tài năng và tình yêu thương bao la của vợ chồng Giáo sư Tôn Thất Triêm thật đáng khâm phục”. Bộ trưởng động viên nghị lực sống, nuôi dưỡng năng lượng tích cực và tinh thần tiến về phía trước của các nhóm yếu thế, làm sao khẳng định được mình, giúp cho mình, gia đình và cộng đồng xã hội. Đây là mong mỏi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong các chính sách hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam.
Trân trọng những cống hiến âm thầm của Giáo sư Tôn Thất Triêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn tình yêu thương và sự tử tế sẽ lan tỏa đến thật nhiều người trong xã hội, để những người chưa may mắn có cơ hội hòa nhập với cuộc sống, không một ai bị bỏ lại phía sau…
- “…I’d aslo like to say I don’t know whether you felt the same, but I was very moved by the choir HOPE who sung Vietnam’s National Anthem…” (Remarks by former US President B. Clinton at the 20th. Anniversary Diplomatic Relations USA - Vietnam-July4 Celebration-July2-2015)
- “Không biết các bạn có chung cảm nhận với tôi hay không, nhưng tôi muốn nói rằng, tôi rất cảm động với phần trình diễn quốc ca Việt Nam của hợp ca Hy Vọng…” (Trích thư của Tổng thống Mỹ B. Clinton).
- “I now have had the opportunity to hear your Choir on two occasions – and each time it moves me deeply to hear the beauty that your students create. Thank you again for providing these studens with the access to the splendor that music provides (Remarks by Mr. M Marine, former Ambassador of the USA - Tôn Thất Triêm Concert)”
- “Tôi đã có dịp được thưởng thức hợp ca biểu diễn 2 lần và mỗi lần ấy tôi cảm động vô cùng khi được lắng nghe vẻ đẹp của âm nhạc mà các em đã tạo nên. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn ngài đã đưa các em đến cánh cửa mở ra chân trời huy hoàng của âm nhạc. (Trích thư nguyên Đại sứ Hoa Kỳ M.Marine gửi NS. Tôn Thất Triêm)”.
- The performance of the choir touched me deeply and certainly added value to our significant event: “The celebration of the 17th Anniversary of the South African Freedom Day (R.S.Moloi, Ambassador of South Africa)”
- “Tôi cảm động sâu sắc trước màn trình diễn của hợp xướng, và nó đã thực sự làm cho ngày lễ trọng đại của chúng tôi thêm ý nghĩa” (R.S.Moloi, Đại sứ Nam Phi).
- “Je garde le meilleur souvenir de la participation de la chorale “Espoir” à la célébration de la Fête Nationale du 14 juillet dont la présence a été très appréciée (Jean Francois Girault - Ambassadeur de France au Vietnam”
- “Tôi giữ kỷ niệm tốt đẹp nhất về sự tham gia của hợp ca “Hy vọng” vào lễ mừng Quốc khánh Pháp, 14/07/2011” (Jean Francois Girault - Đại sứ Pháp tại Việt Nam).