Đại sứ quán Nhật Bản đề nghị đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và một số đơn vị liên quan đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Dường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Dự án Dường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đang gặp khó khăn do thiếu mặt bằng thực hiện (ảnh: EVN)
Dự án Dường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đang gặp khó khăn do thiếu mặt bằng thực hiện (ảnh: EVN)

Đại sứ quán Nhật Bản nhấn mạnh, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) là dự án đã được ký kết BOT dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 10/2018. Đây cũng là dự án quan trọng, đóng vai trò lớn trong cung cấp điện cho Việt Nam. Tiến độ Dự án đang được triển khai thuận lợi với mục tiêu đưa Nhà máy vận hành thương mại vào năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do vướng mắc thi công đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân do EVN đầu tư.

Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, trước đó, Chủ dự án Nhà máy là Công ty TNHH Điện lực Vân Phong và Nhà đầu tư là Tập đoàn Sumitomo đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thúc đẩy thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển giao đất cho EVN là cần thiết để xây dựng đường dây truyền tải điện.

Thông tin về tiến độ hiện nay, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị thay mặt Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (chủ đầu tư) quản lý điều hành Dự án cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là liên quan đến vấn đề mặt bằng để xây dựng đường dây truyền tải điện.

Tính đến ngày 9/10, toàn tuyến đã bàn giao được 95/304 vị trí móng (đạt 31,3%), trong đó tỉnh Khánh Hòa bàn giao 69/172 vị trí, tỉnh Ninh Thuận bàn giao 26/132 vị trí. Phần hành lang tuyến, các địa phương đều chưa bàn giao được khoảng cột nào. Về thủ tục liên quan đến đất rừng, toàn tuyến đã bàn giao thi công 41/159 vị trí, trong đó tỉnh Khánh Hòa 41/117 vị trí; tỉnh Ninh Thuận 0/42 vị trí… Nhìn chung, các hạng mục đều chậm 3 tháng so với kế hoạch.

Được biết, theo hợp đồng đã ký với Nhà đầu tư BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, tiến độ hoàn thành Dự án trên để nhận điện từ Nhà máy không chậm hơn tháng 12/2022. Nếu chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 23 tỷ đồng. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại Nhà máy.

Chuyên đề