Phiên thảo luận ở tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng 25/5 |
“Cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đến giữa tháng 5 này, dòng tiền tồn dư trong ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, vượt 1 triệu tỷ đồng. "Đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại nằm đắp chiếu, chủ yếu tại Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế, có phần do vướng ở giải ngân đầu tư công", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận xét.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, thực trạng này đã được nhận diện khá lâu, với nhiều nguyên nhân; nhưng đến nay, điểm mấu chốt chưa được giải quyết căn cơ để tháo gỡ.
"Tất nhiên "cục máu đông" này không thể một sớm một chiều giải quyết được, nhưng phải có giải pháp căn cơ giải quyết càng sớm càng tốt. Trước mắt, tôi ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tiếp tục hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp cân bằng bớt lại với việc chi đầu tư phát triển thực hiện đang còn chậm", đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng:
Tính từ đầu năm tới ngày 17/5, Kho bạc Nhà nước vẫn phải phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước tới 158 nghìn tỷ đồng, trong khi mức đáo hạn trái phiếu chính phủ chỉ có 17 nghìn tỷ đồng, tức mức vay ròng từ nền kinh tế là 141 nghìn tỷ đồng. Số tiền này vô tình cũng đang tương đương với lượng tiền Kho bạc Nhà nước đấu thầu theo lãi suất thị trường, tiền gửi chủ yếu tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Đành là cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không?
Có thêm dư địa để theo đuổi mục tiêu hạ lãi suất cho vay
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá không còn căng thẳng như giai đoạn những tháng cuối năm 2022 khi mà các yếu tố quốc tế liên quan đang trở nên thuận lợi, còn các yếu tố trong nước, dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, chính sách tiền tệ, bởi vậy, đã có thêm dư địa để theo đuổi mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế.
Theo dự báo, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất chính sách, sau đó duy trì mặt bằng lãi suất đạt được một thời gian ngắn trước khi cắt giảm dần về ngưỡng trung tính 2,5%/năm trong dài hạn. Theo chân Fed, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) khác sẽ có động thái chính sách tương tự. Điều này khiến thị trường tài chính quốc tế dần ổn định trở lại, kéo theo rủi ro trên thị trường tài chính - tiền tệ trong nước suy giảm.
Với yếu tố trong nước, nhiều chuyên gia cũng nhận định, điểm nhấn nằm ở nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn đang hiện hữu, phải trông đợi vào nỗ lực hóa giải hiệu quả của Chính phủ. Cụ thể, một loạt những khó khăn, thách thức (đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng) đang được Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý mạnh mẽ, quyết liệt, với nhiều giải pháp chính sách, cả căn cơ lẫn tình thế. Nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính, thậm chí khủng hoảng kinh tế đã tạm được hoá giải, tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian và nguồn lực để tháo gỡ, xử lý triệt để.
"Trong điều kiện này, tôi đề nghị tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân", đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành và kết hợp đồng bộ nhiều công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ. Tuy vậy, theo nhận định của đại biểu Hà Sỹ Đồng, khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lực cản lớn nhất nằm ở rủi ro tín dụng đang cao, khiến bên cho vay luôn đòi hỏi một mức bù lãi suất tương đối nếu khách hàng thực sự muốn vay và chấp nhận vay. Với nhóm khách hàng tốt, có mức tín nhiệm cao, sẽ có khả năng tiếp cận tín dụng với mức lãi suất tốt, nhưng thực tế với bối cảnh kinh tế hiện nay, họ không có nhiều nhu cầu vay.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự yếu kém kéo dài tới nay của hệ thống ngân hàng nói chung, dù đã được nhận diện từ rất lâu và đã trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ tái cơ cấu nhiều cay đắng, đã cản trở đáng kể các nỗ lực hạ lãi suất, phục hồi nền kinh tế. Vấn đề này cần được đánh giá đầy đủ, có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.