Ngành đường sắt khắc phục sự cố tàu SP2 trật bánh tại ga Yên Viên. Ảnh: BNEWS |
Cụ thể, theo VNR, ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh. Ngày 10/8/2017, Hội đồng phân tích tai nạn đã tổ chức họp để xác định rõ nguyên nhân, đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Về sự cố trật bánh tàu ngày 6/8 vừa qua, VNR khẳng định nguyên nhân xảy ra sự cố này do 2 yếu tố. Thứ nhất là vực ghi N110 tại ga Yên Viên đang trong thời gian thực hiện công tác duy tu, sửa chữa theo điều kiện vừa thi công, đồng thời vẫn tiếp tục khai thác các tuyến tàu khách, tàu hàng. Trong quá trình tác nghiệp duy tu, sửa chữa, đơn vị thi công chưa đảm bảo một số thông số kỹ thuật của tiêu chuẩn nghiệm thu theo quy định. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố.
Thứ hai, Ban lái tàu đã điều khiển tàu chạy vượt tốc độ quy định khi một số toa xe cuối cùng của đoàn tàu chưa qua hết khu vực hạn chế tốc độ (tốc độ cho phép tại khu vực qua ghi N110 là 15km/h, tốc độ tàu thực tế qua ghi lúc xảy ra tai nạn là 17,78km/h). Đây là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến sự cố.
VNR xác định trách nhiệm dẫn đến sự cố thuộc về Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải và Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên.
Về vụ trật bánh tàu ngày 7/8/2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định nguyên nhân như sau: Ngay sau khi xảy ra sự cố lần 1, đơn vị thi công đã tập trung xử lý để thông đường và hoàn trả tốc độ khu ga là 15km/h. Đồng thời khu ga đã đón được 5 đoàn tàu (3 tàu hàng, 2 tàu khách) thông qua an toàn. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã thiếu cẩn trọng, không kiểm tra lại các thông số kỹ thuật đường sau khi các đoàn tàu thông qua đã tác động ảnh hưởng đến kết cấu nền đường. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự cố trật bánh lần 2.
Trách nhiệm dẫn đến sự cố này VNR cá định thuộc về Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải.
Về việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam căn cứ quy định hiện hành và nguyên nhân diễn ra sự cố, VNR đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải; Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên, Ban Quản lý kết cấu hạ tầng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định. Báo cáo Tổng công ty kết quả thực hiện trước ngày 20/8/2017.
Về các biện pháp đảm bảo an toàn, VNR cho biết, sau khi xảy ra 2 vụ trật bánh tàu ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty đã kịp thời chỉ đạo các Ban chuyên môn, các đơn vị liên quan, tổ chức điều tra, phân tích, quy trách nhiệm và thông báo đến các đơn vị trong toàn ngành xây dựng các biện pháp, tổ chức rút kinh nghiệm để ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Tổng công ty đã ban hành Kế hoạch tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trong 5 tháng cuối năm 2017; theo đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát, bổ sung cho phù hợp toàn bộ các quy trình, quy định, công tác quản lý và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt đối với tất cả các hệ: vận tải, đầu máy, toa xe, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt… Tiếp tục tổ chức cho các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu học tập, kiểm tra, sát hạch lại trình độ, đưa ra khỏi dây chuyền những cá nhân không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất mọi thời điểm việc thực hiện các quy định của pháp luật, các quy trình, quy định liên quan về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.