Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo các chuyên gia, tham gia EITI là việc Việt Nam nên làm từ lâu, song hiện nay vẫn còn nhiều “rào cản” khiến cho tiến trình này chậm trễ.
Khung khổ pháp lý đã sẵn sàng
Theo nghiên cứu của ThS. Trần Thanh Thủy, Đại diện Liên minh Khoáng sản, ngành công nghiệp khai thác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu minh bạch trong cấp phép, quản trị khai thác, thu thuế và phí, quản lý và phân bổ nguồn thu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, do tính chất phức tạp về chính trị, tài chính và kỹ thuật, khai thác tài nguyên là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách cao nhất.
Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2012); một số khoáng sản khác cũng được khai thác với sản lượng lớn như than, khí thiên nhiên, chì, Apatite… Song, năm 2012 Nhà nước chỉ thu được khoảng 6.539 tỷ đồng thuế tài nguyên ngoài dầu (chiếm khoảng 0,9% ngân sách); năm 2013 Nhà nước thu được 7.462 tỷ đồng thuế tài nguyên ngoài dầu, chiếm khoảng 1% ngân sách.
Theo bà Thủy ước tính, mức thất thu trong khai thác tài nguyên của Việt Nam tương đương khoảng 5 - 25% GDP. Tình trạng này xuất phát từ các kẽ hở: khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm thu hồi được; thiết lập giá bán thấp hơn thực tế…
Qua tìm hiểu các yêu cầu của EITI, đối chiếu với hệ thống pháp luật của Việt Nam, TS. Lê Xuân Trường thuộc Học viện Tài chính cho rằng, về khung khổ pháp lý thì không còn rào cản gì đối với việc Việt Nam tham gia EITI. Bởi theo ông Trường, đối với bí mật nhà nước, danh mục bí mật nhà nước, Việt Nam hoàn toàn có quyền bảo lưu, không công khai khi tham gia EITI. EITI chỉ yêu cầu công bố các thông tin đối với các hoạt động khai khoáng đã được cấp phép, khối lượng sản xuất, doanh nghiệp, thu và phân bổ ngân sách từ khai thác khoáng sản…
Minh bạch để phòng ngừa tham nhũng
Mặt khác, doanh nghiệp khai khoáng cho biết, hàng năm họ có đóng một khoản phí cho chính quyền trong việc khai thác và mong muốn những khoản lệ phí này hỗ trợ một phần về vấn đề tác động môi trường cho người dân vùng khai thác. Song, doanh nghiệp không biết nguồn tiền này đi đâu, người dân thì không được hưởng lợi và vẫn bức xúc với doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp khai khoáng” – ông Tuấn chia sẻ.
Ông Phạm Quang Tú thuộc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, ngành khai khoáng nằm trong Top 3 ngành có nguy cơ tham nhũng lớn nhất theo cảm nhận của người dân. Cũng theo ông Tú, lý do “người ta” sợ tham gia EITI là bởi EITI vẫn được nhìn nhận như “một giải pháp bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”, phát hiện tham nhũng trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, bản thân EITI không phải là giải pháp để bắt tham nhũng, mà là để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn”.
Liên quan đến vấn đề công bố thông tin, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: “Khi EITI cho phép các quốc gia lựa chọn quy mô doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin, một số quốc gia đã tham gia EITI chỉ yêu cầu một số lượng rất ít các doanh nghiệp lớn phải thực hiện theo các mẫu báo cáo, sau đó mở rộng ra các doanh nghiệp cấp trung bình. Do đó, Việt Nam có thể lựa chọn thực thi EITI theo từng bước, từng giai đoạn phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp”.