Ông Phí Thái Bình: "Dự án gặp sự cố liên tiếp bản thân tôi cảm thấy rất đau xót". |
Ngày 21/12, ông Phí Thái Bình cho biết nhận được thông báo của VKSND Tối cao với nội dung hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và yêu cầu các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi dân sự cho ông. Trước khi làm Phó chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011, ông Bình làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex - chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà.
Ngoài ông Bình, VKSND Tối cao cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can với các thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003-2004, gồm các ông: Nguyễn Văn Tuân (tổng giám đốc), Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành. Hai người khác là ông Lại Văn Bích (Giám đốc Ban quản lý dự án) và ông Nguyễn Đức Lưu (Trưởng phòng Đầu tư) cũng được hủy quyết định khởi tố.
Ông Bình cám ơn những người thụ lý vụ án tại VKSND Tối cao đã xác minh vụ việc đúng theo sự thật, trả lại công bằng cho ông và các lãnh đạo khác trong Hội đồng quản trị của Vinaconex.
Theo ông Bình, Vinaconex khi xây dựng nhà máy cấp nước cho người dân Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện dự án, một số lãnh đạo cấp dưới có sai sót song không tham nhũng, vụ lợi.
"Trong một nồi cháo chỉ có vài hạt sạn mà chúng tôi đã bị xã hội lên án. Chúng tôi phải chịu đau khổ trong thời gian dài, ảnh hưởng tinh thần của bản thân và cả gia đình. Những sai sót này, nhà nước không cần thiết phải hình sự hóa", ông Bình chia sẻ.
Ngày 22/5, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình để điều tra tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan sự cố liên tục vỡ đường ống nước sông Đà.
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong giai đoạn làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Bình để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn tới đường ống nước sạch kém chất lượng, hư hỏng nhiều lần, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân.
Trao đổi với VnExpress vào thời điểm đó, ông Bình cho biết, kết luận của cơ quan điều tra chưa thấu đáo. Cơ quan điều tra phải xem xét trên nhiều phương diện như kỹ thuật, cá thể hoá trách nhiệm của từng người phụ trách, chứ không phải cứ dồn trách nhiệm về chủ trương chỉ đạo.
Theo ông Bình, đây là dự án đầu tiên do Vinaconex tự lắp đặt, thiết kế, thi công, vận hành và áp dụng vật liệu mới nên ít nhiều có trở ngại và hư hỏng nhất định. "Giống như các hãng xe nổi tiếng trên thế giới, họ sản xuất cũng bị lỗi và bị triệu hồi, tuy nhiên họ không hình sự hoá nó mà xem xét trên các phương diện khác", ông nói.
Năm 2004, Vinaconex đầu tư dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội với công suất 600.000 m3 một ngày đêm, tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình vận hành khai thác, từ năm 2012 đến 2015, đường ống đã hàng chục lần bị vỡ. 177.000 hộ dân đã bị dừng cấp nước gần 350 giờ, gây thiệt hại trên 13 tỷ đồng để khắc phục sự cố.
Đồ họa: Ống nước Sông Đà vì sao vỡ 17 lần trong hai năm