Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang) tại phiên tòa chiều 15-10 |
Chiều 15-10, hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang).
Theo bị cáo Chính, bị cáo đưa 1 danh sách cho bị can Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang) gồm 13 thí sinh. Tuy nhiên Chính chỉ nhờ Hoài xem điểm môn ngữ văn, không thống nhất với Hoài về số điểm cần nâng về bất kỳ thí sinh nào.
Bị cáo Chính cũng không đồng tình với nội dung trong cáo trạng về quá trình triển khai chấm thi môn ngữ văn từ ngày 1 đến 8-7-2018, ghép phách từ 7 đến 9-7-2018. Trong đoạn này ghi đây là thời gian Hoài có thể can thiệp và nâng được điểm. Bà Chính cho rằng điều này không thể xảy ra.
Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang) đến phiên tòa chiều 15-10
"Việc lập danh sách 13 thí sinh là do được 6 người nhắn tin và trao đổi bằng lời của thầy Vũ Văn Sử (cựu giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh). Trong tất cả tin nhắn, không ai nhắn tin nào nhờ bị cáo nâng điểm" - bị cáo Chính nói.
Cụ thể, những tin nhắn bị cáo nhận được gồm có ông Sử (3 trường hợp), con ông Chiều (phó trưởng Phòng giáo dục huyện Xí Mần), 2 con sinh đôi của bà Lại Thị Hương (phó văn phòng UBND tỉnh). Bà Chúng Thị Chiên (phó chủ tịch HĐND tỉnh) nhắn tin nhờ cho con, bà Nga (Sở Tài chính) nhờ xem cho cháu. Còn có ông Lương Tiến Dũng (phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang), ông Hòa (phó Ban thi đua khen thưởng của tỉnh), ông Hoàng Tiến Sơn - cán bộ Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
Theo bị cáo Chính, ngoài những người nhắn tin, có vài lần ông Vũ Văn Sử nói năm nay có con bí thư Triệu Tài Vinh thi, ông Khuông có con thi, con ông Hào lái xe Sở Giáo dục và đào tạo thì quan tâm. Một lần nữa ông Sử nhắc bà Thi (hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh), nhưng không nói quan tâm.
"Sau khi có tất cả tin nhắn đó và trao đổi của thầy Sử, tôi nhớ có tin nhắn với thầy Sử vào ngày 1-7-2017: Một số lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp nhờ giúp nhưng em không biết em quan tâm như thế nào. Thầy Sử bảo: Tớ nói thế, tuyệt đối không làm gì sai quy chế. Thôi cậu xem điểm có được không", bị cáo Chính nói. Bị cáo cho biết "nếu xem điểm, chỉ xem điểm môn ngữ văn vì lúc ghép phách, nghiễm nhiên 3 ghép phách sẽ biết điểm".
Theo bị cáo Triệu Thị Chính, ngày diễn ra kỳ chấm thi trùng với kỳ họp HĐND tỉnh, ông Vũ Văn Sử nói cứ xem, nếu có xem được thì "xã giao". Bị cáo báo cáo lại: "Phần ghép phách, tôi bàn giao cho anh Hoài trưởng ban thư ký".
Khi ông Sử hỏi ai có thể xem được điểm, bị cáo Chính cho rằng chỉ nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài, đồng thời khai: "Thầy Sử dặn đi dặn lại: xem gì thì xem, tuyệt đối không làm sai quy chế". Ông Sử cũng đồng ý khi bị cáo đề nghị "có người nhắn tin cho em và người thân thì em xem luôn nhé".
Lúc ông Sử đồng ý, bị cáo mới lập danh sách. Lúc đầu danh sách ghi rõ con cháu nhà ai, để số thứ tự, họ tên, số báo danh, địa điểm thi.