Sáng 16/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm 5 bị cáo liên quan đến vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở địa phương này.
Quang cảnh phiên tòa.
Tại tòa, ông Sử thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính.
Trong đó, một nữ thí sinh có bố qua đời trước ngày thi đầu tiên nên khi đưa thông tin thí sinh này cho bà Chính, ông Sử nhắn nhủ nữ Phó giám đốc xem xét, để ý “nếu đỗ thì tốt, nếu không thì ta nên đưa vào danh sách xét đặc cách”.
Với 2 thí sinh còn lại, ông ta cũng nhận thông tin và chuyển cho bà Chính nhưng với lời nhắn “xem hộ nhé”, ngoài ra không còn gì thêm.
"Vậy ông phát hiện sai phạm gì trong kỳ thi năm 2018 và đã xử lý ra sao?", chủ tọa tiếp tục truy vấn.
Đáp lời thẩm phán, cựu Giám đốc Sở trình bày sau khi phát hiện một trong 2 ổ khóa phòng nơi chứa bài thi đã bị mở, ông lập tức nhờ người đi tìm Nguyễn Thanh Hoài nhưng không được.
Sau đó, kiểm tra camera an ninh, ông Sử phát hiện Vũ Trọng Lương đã giật tờ niêm phong và mở ổ khóa, bê cây máy tính ra ngoài.
"Tôi thấy sự việc nghiêm trọng nên không ăn nổi cơm, tôi đi tìm Lương nhưng cũng không thấy”, cựu giám đốc nói và giãi bày đêm hôm đó, ông ta dùng cả thuốc an thần nhưng cũng không ngủ được.
Ngày hôm sau, tại cuộc họp trong Sở GD&ĐT, bị cáo Vũ Trọng Lương ban đầu không thừa nhận vi phạm. Tuy nhiên, sau khi được đích thân ông Sử đưa quy chế thi, Lương mới thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của Hội đồng thi.
Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử.
"Tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng nhận kỷ luật", cựu Giám đốc Sở nói.
Ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở).
Tiếp tục thẩm vấn, chủ tọa đề nghị ông Vũ Văn Sử đặt cương vị là người có vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang thời điểm xảy ra vụ án để tự nói về trách nhiệm của bản thân. "Dư luận rất quan tâm việc chống tiêu cực nhưng trong kỳ thi lại có biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ. Ông nghĩ gì?”, chủ tọa đặt câu hỏi.
Ông Sử trình bày điều khó nhất chính là yếu tố con người. Người từng đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Hà Giang nói ông không bao giờ ngờ tỉnh mình lại xảy ra việc nâng điểm thi.
Thừa nhận vụ án ở Hà Giang lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử thi cử nước nhà, ông Sử nói nếu dùng từ “choáng, sốc” cũng không đủ để phản ánh.
Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: “Ông đã nói với cấp dưới “quan tâm đến một số con em cán bộ lãnh đạo Hà Giang? Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, liệu đây có phải là mở lối cho tội phạm tiêu cực?”.
Vội vàng phân bua, ông Sử trình bày bản thân nghĩ không phải như vậy. Nhân chứng phản biện rằng đó chỉ là những câu nói trong câu chuyện hàng ngày khi ông ngồi uống nước với cấp dưới. "Nói xong tôi cũng quên câu chuyện đó ngay. Câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp có ít người thôi", vị giám đốc về hưu phân trần.
Theo tài liệu điều tra, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã chuyển danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) để nâng điểm môn thi trắc nghiệm. Ngoài ra, Lương còn nhận danh sách 14 thí sinh nhờ nâng điểm môn thi trắc nghiệm từ người thân quen.
Từ ngày 30/6/2018 đến 2/7/2018, bị cáo Lương đã thực hiện can thiệp nâng điểm cho 107 thí sinh trên.
Đến ngày 7/7/2018, bị cáo Lương có nói với Hoài rằng "Do số thí sinh Lương đã nâng điểm rất cao, khi thông báo sợ Bộ GD&ĐT kiểm tra nên cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã gửi cho Bộ GD&ĐT" và Hoài đồng ý.
Đến khoảng 9h30 ngày 7/7/2018, Hoài đã đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài thi môn trắc nghiệm và 1 bì chứa chìa khóa hòm chứa bài thi trắc nghiệm để Lương thực hiện việc đã trao đổi với Hoài ở trên.
Trong vụ án này, bị cáo Lương và Hoài cùng bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".