VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ông Cao Minh Huệ (nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương), Phan Văn Trung (cựu Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bến Cát) và Đỗ Văn Sâm (cấp dưới của ông Trung) tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Điều 281, Bộ Luật hình sự 1999 có khung hình phạt đến 15 năm. Cả ba ông này đều được tại ngoại.
Theo cơ quan công tố, Công ty chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương - Sobexco là doanh nghiệp Nhà nước được UBND tỉnh Bình Dương giao 706 ha đất vườn điều tại xã An Tây, huyện Bến Cát.
Năm 1997, Công ty thanh lý 650 ha vườn điều, vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả, dẫn đến nợ kéo dài.
Ngày 28/2/1999, Nguyễn Thanh Hải, giám đốc Sobexco xin chủ trương bán vườn cây cao su để trả các khoản nợ vay. Sau đó, ông Hải lập hai tờ trình gửi Sở Nông nghiệp về phương án bán đất, giá bán và được chấp thuận.
Trong tháng 3-4/2000, Hải đã ký hợp đồng bán cho 40 người, hơn 306 ha với tổng số tiền hơn 7,4 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng với khách mua, Hải và Phan Văn Trung ký hợp đồng đo đạc, vẽ bản đồ từng thửa đất vườn cao su để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trung đã giao cho cấp dưới Đỗ Văn Sâm nghiên cứu.
Trung biết, hợp đồng mua bán chỉ nêu chuyển nhượng vườn cao su, không có nội dung chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người mua sẽ chỉ được cấp giấy chứng nhận dưới hình thức thuê đất. Trung và Sâm đã hướng dẫn Hải ký lại hợp đồng với người mua với nội dung "chuyển nhượng quyền sử dụng đất" theo mẫu của Phòng.
Do hơn 306 ha thuộc quyền quản lý của Sở Địa chính nên Sobexco nộp hồ sơ cho Sở này. Theo cơ quan công tố, ông Huệ biết giá bán vườn cao su không tính giá trị đất và người mua không có nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương thì phải thuê đất theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên khi có tờ trình lên UBND tỉnh Bình Dương, ông Huệ đã không đề xuất tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bến Cát làm thủ tục cho thuê đất theo quy định. Ông này chỉ nêu: "Giao cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật".
Ông Huệ còn đưa thêm nội dung "giá trị đất còn lại giao cho đơn vị theo phương thức ghi Thu, ghi Chi" vào giá bán vườn cây cao su. Điều này khiến các cơ quan chức năng hiểu rằng, Sobexco bán cây cao su và nhượng quyền sử dụng đất.
Được lãnh đạo UBND tỉnh đồng ý, Trung đã cấp "sổ đỏ" cho 40 trường hợp trên.
Làm ngơ sai phạm để được mua đất, cấp sổ đỏ
Tháng 11/2000, Sobexco tiếp tục được phép bán vườn cây cao su để trả nợ, tập trung chế biến vườn điều. Tháng 6/2001, Hải đã ký bán cho 36 người, tổng số 352 ha, thu hơn 16 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, ông Huệ mua hơn 75 ha (tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng). Ngoài ra, 8 người đứng tên ký hợp đồng mua đất với Sobexco là vợ, con, em và cháu của ông Huệ (mỗi người mua từ 8 ha đến gần 10 ha). Trung và gia đình cũng mua được hơn 42 ha đất, Sâm hơn 14 ha.
Để vợ và hai con gái được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 10 ha một người, ông Huệ đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh nâng hạn mức giao đất nông nghiệp. Cụ thể, nâng hạn mức từ 10 ha mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân lên thành 30 ha. Đề xuất này của ông Huệ được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Sau đó, ông Huệ cùng vợ và hai con gái được cấp "sổ đỏ" cho gần 1,7 ha đất. Ông Trung cũng được cấp sổ đỏ cho hơn 42 ha sau đó ông này chuyển nhượng cho em trai.
Sai phạm bị phát hiện
Tháng 4/2007, Dự án khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ An Tây được xét duyệt, nằm trong phần diện tích gần 660 ha đất Sobexco đã bán trước đó nên phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) đồng chủ đầu tư với một công ty nước ngoài đứng ra bồi thường theo tỷ lệ 30-70.
Hai bên đã bồi thường, hỗ trợ về đất và cây cối, tài sản trên đất cho các hộ dân, tổng số hơn 480 ha số tiền hơn 436 tỷ đồng. Gia đình ông Huệ nhận được hơn 1,3 tỷ đồng (chưa nhận được tiền bồi thường đất), em trai Trung nhận hơn 3,6 tỷ.
Tuy nhiên, tháng 10/2007, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo tạm ngưng việc bồi thường, đề nghị rà soát, phân loại 71 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ. Cơ quan chức năng phát hiện, UBND huyện Bến Cát đã cấp "sổ đỏ" không đúng. Do vậy, UBND tỉnh có quyết định thu hồi tiền đã bồi thường, song không hộ dân nào trả lại.
Cơ quan công tố xác định, tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 131 tỷ đồng do Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ về đất là 30% trong tổng số tiền trên.
Cáo trạng cho rằng, ông Huệ, Trung, Sâm vì động cơ vụ lợi đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao và làm sai một loạt dẫn đến hậu quả Nhà nước bị thiệt hại số tiền trên.
Do ông Hải đã chết nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra.