Cước vận tải tăng, DN xuất khẩu “đứng ngồi không yên”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) có những tín hiệu tốt hơn khi đơn hàng có sự cải thiện, nhưng tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, giá cước vận tải biển tăng mạnh, đang tác động bất lợi, khiến DN “đứng ngồi không yên”.
Giá cước vận tải biển quốc tế được dự báo tăng mạnh vào tháng 7 tới. Ảnh: Lê Tiên
Giá cước vận tải biển quốc tế được dự báo tăng mạnh vào tháng 7 tới. Ảnh: Lê Tiên

Sốt ruột giá cước vận tải biển tăng mạnh

Thông tin về tình hình giá cước vận tải biển quốc tế, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Glory Allinace - DN dịch vụ logistics chủ yếu sang thị trường Mỹ, châu Âu cho biết, giá cước đang tăng rất cao, gây bất lợi cho các DN XK hàng hóa.

Với hàng hóa XK sang Mỹ, giá cước vận tải biển container 40 feet từ TP.HCM đi bờ Tây đang ở mức 6.300 - 6.400 USD/container, đi bờ Đông ở mức 7.300 USD - 7.500 USD/container. Theo ông Đạt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang với việc chính phủ Mỹ dự kiến áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc từ tháng 8/2024, khiến các nhà XK nước này đẩy mạnh XK trước thời hạn. Bên cạnh đó, căng thẳng khu vực Biển Đỏ hay giữa Nga và Ukraine vẫn chưa “hạ nhiệt”, trong khi tình trạng thiếu container rỗng tái diễn…

“Các yếu tố trên có thể tiếp tục đẩy giá cước vận tải biển quốc tế tăng mạnh trong tháng 7 tới. Dự kiến, giá cước vận chuyển hàng hóa sang Mỹ có thể lên 10.000 USD/container, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023”, ông Đạt nhận định.

Tương tự, giá cước vận tải hàng hóa sang các thị trường XK lớn khác như: châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản cũng tăng mạnh. Hiện, giá cước vận tải hàng hóa từ nước ta đi châu Âu (tới các cảng chính ở Hà Lan, Bỉ, Đức…) ở mức từ 3.500 - 3.900 USD/container 20 feet và từ 7.000 - 7.800 USD/container 40 feet.

Thời gian giao hàng cũng chậm trễ hơn. “Trước thời điểm xảy ra xung đột khu vực Biển Đỏ, thời gian vận chuyển và giao hàng từ Việt Nam đi các thị trường châu Âu chỉ khoảng 30 ngày, nhưng nay đã lên khoảng 45 ngày do phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, quãng đường xa hơn và thời gian vận chuyển tăng thêm”, ông Đạt thông tin.

Giá cước vận tải liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nhất là từ đầu tháng 6/2024 đến đã tăng 2 - 2,6 lần so với tháng 3/2024 khiến ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh - DN sản xuất và XK nông sản sốt ruột. “Cước vận tải tiếp tục tăng sốc nên các mặt hàng XK chủ lực của Công ty là tiêu, cà phê nếu có hàng xuất, DN sẽ phải chịu lỗ. Bên cạnh đó, ở thời điểm này, để có tàu đi hàng cũng không dễ”, ông Thông chia sẻ.

Một DN XK trong lĩnh vực dệt may cho hay, nhiều lô hàng xuất đi châu Âu phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục, trong khi giá đơn hàng đã ký hợp đồng từ trước. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến DN, làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận, cũng như tác động xấu tới sức cạnh tranh của hàng hóa.

Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2024, các hãng tàu nước ngoài liên tục và đồng loạt công bố tăng từ 10 - 20% phí đối với mỗi loại dịch vụ container. Trong khi đó, hiện gần 100% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều do các hãng tàu đảm nhận. Các hãng tàu đang thu nhiều loại phụ phí với hàng hóa tại cảng biển, nhưng mức giá và các loại phụ thu này do hãng tự quyết định mà không cần có sự thỏa thuận với khách hàng... khiến DN XK thêm khó.

Chung tay tìm giải pháp hỗ trợ

Với mong muốn góp phần hỗ trợ 4.000 DN là thành viên của Vietgo không phải “tự bơi” trong quá trình tìm kiếm các đơn vị vận tải, logistics, góp phần giảm thiểu rủi ro trong XK hàng hóa, giảm áp lực giá cước tăng, ngày 13/6/2024, Công ty TNHH Xúc tiến XK Vietgo tổ chức cuộc gặp gỡ với các DN tham gia cung cấp dịch vụ này.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty nhìn nhận, hiện tình hình XK của các DN Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt từ phía nhu cầu khách hàng quốc tế. Tổng kim ngạch XK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn từ hoạt động hỗ trợ DN xúc tiến các mặt hàng XK, Vietgo thấy rõ tình hình đơn hàng của các DN XK Việt Nam đang tốt lên. Tuy vậy, lâu nay, thách thức về vận tải là một trong những mối lo của các DN XK, nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải biển liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Để hỗ trợ các DN XK khai thác tốt hơn các cơ hội từ thị trường, tháng 4/2024, Vietgo cùng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ký hợp đồng hợp tác cung cấp gói giải pháp toàn diện dành riêng cho khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực XK. Ông Việt nhấn mạnh, gói giải pháp giúp các DN sản xuất “thoát vốn”, còn các DN vận tải cũng không cần “đua cước”… nhằm tạo giá trị cũng như giảm thiểu rủi ro cho các bên.

Một số chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động, khó lường, DN XK cần ký hợp đồng dài hạn với các hãng tàu, qua đó giảm thiểu tác động bất lợi giá cước tăng đột ngột. Bên cạnh đó, có thể sử dụng vận tải đường sắt quốc tế để XK…

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá. Việc này nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại dịch vụ phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các chủ hàng tùy tiện tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng. Về dài hạn, cần đẩy mạnh phát triển đội tàu biển để giảm sự phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại.

Chuyên đề