Lãi suất huy động vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng và đặc biệt lại có sự tham gia của 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN |
Lãi suất tiết kiệm luôn là vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là trong vài tháng trở lại đây lãi suất đang có xu hướng tăng ở hầu hết các ngân hàng. Đây là tin vui với người gửi tiền nhưng với giới kinh doanh thì không khỏi lo lắng do đây có thể là dấu hiệu của thanh khoản eo hẹp và khả năng mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ bị kéo lên cao, gây khó cho doanh nghiệp.
Trước thực tế này, PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện Trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, lãi suất huy động tăng dịp này không phản ánh hiện tượng khó khăn về thanh khoản của thị trường tiền tệ như dịp cuối tháng 7/2018 khi lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng trên mức 4%.
Ông Đức cho rằng, tăng lãi suất huy động không nhất thiết phản ánh mức độ thanh khoản thấp của các ngân hàng thương mại cũng như thị trường, có thể đơn giản chỉ là nhu cầu sử dụng vốn cao thì các ngân hàng thương mại huy động nhiều hơn và lãi suất huy động tăng lên.
Đồng quan điểm này, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng thanh khoản tiền đồng vẫn ổn định. "Nếu lãi suất liên ngân hàng trên 4% như hồi tháng 8, tháng 9 thì mới đáng lưu ý còn hiện nay lãi suất này chỉ quanh mức 3% không đáng ngại", chuyên gia khẳng định.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã diễn ra từ giữa tháng 7 đến nay, khi hàng loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Và "cuộc đua" đang ngày càng có dấu hiệu căng thẳng hơn về cuối năm với sự nhập cuộc của cả các ngân hàng lớn. Thậm chí có ngân hàng còn điều chỉnh tăng nhiều lần trong vài tháng qua, dù các bước tăng khá nhẹ.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,1-0,3% so với đầu tháng 10/2018.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng của Agribank tăng đồng loạt lên mức 4,5%/năm, tăng tương ứng 0,2 và 0,3% so với hồi đầu tháng 10. Lãi suất kỳ hạn 3 và 6 tháng cũng tăng tới 0,2% lên 4,8%/năm và 5,5%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi 9 tháng, Agribank cũng áp dụng mức mới là 5,6%/năm, thay vì 5,5%/năm như trước đó.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 3 tháng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hiện ở mức 4,4%/năm, tăng nhẹ 0,1% so với hồi đầu tháng 10. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2% lên 4,8%/năm và 5,5%/năm. Đây là lần điều chỉnh thứ 3 của ngân hàng này kể từ đầu tháng 9/2018 tới nay.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã điều chỉnh đồng loạt lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm 0,2%/năm, đưa lãi suất các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng tăng lên mức 4,5%/năm, kỳ hạn 3 và 6 tháng lần lượt là 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Đáng chú ý, từ ngày 8/10/2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng thêm tới 0,4% so với trước đó, lên mức 5%/năm, cao hơn mức lãi suất ở kỳ hạn tương ứng tại một số ngân hàng tư nhân như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 4,8%/năm hay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là 4,6%/năm.
Cho dù thanh khoản không có dấu hiệu căng thẳng nhưng lãi suất huy động vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng và đặc biệt lại có sự tham gia của 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh vốn là điều khác biệt với những lần tăng lãi suất trước đây. Nguyên nhân chính do đâu?
Giải đáp câu hỏi này, TS Đặng Ngọc Đức đưa ra 3 lí do. Thứ nhất, đa số các ngân hàng thương mại không còn dư địa để tăng trưởng tín dụng, đặc biệt khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp về siết chặt tín dụng từ nay đến cuối năm. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế thường tăng lên trong quý IV hàng năm, các ngân hàng cần có thêm nguồn vốn và khi Ngân hàng Nhà nước không “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế thì nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chỉ có thể từ huy động từ tiền gửi.
Thứ hai là dự báo về lạm phát tăng lên. Trước hết là CPI trung bình từ đầu năm đã đạt tới mức 3,97% (tuy chưa đến 4% theo chỉ tiêu) nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2017 và còn được kỳ vọng tăng thêm khi giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và giá cả một số dịch vụ cơ bản tăng. Ngoài ra, dự báo lạm phát có khả năng sẽ còn cao hơn trong năm 2019 cũng là một nguyên nhân nữa dẫn đến lãi suất huy động cao.
Thứ ba, sự biến động của tỷ giá và những tác động khác của những diễn biến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc cũng gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.
Về lý thuyết, lãi suất đầu vào hay lãi suất huy động tăng thì lãi suất đầu ra hay lãi suất cho vay sẽ tăng nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. TS Đặng Ngọc Đức dự báo diễn biến lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ không biến động nhiều và các doanh nghiệp không khó khăn dù lãi suất có tăng chút ít.
Bởi theo ông, lãi suất cho vay về cơ bản vẫn được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại không thể tự do tăng lãi suất cho vay. Mặt khác, dù phải huy động vốn với lãi suất cao hơn song không phải lúc nào các ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay, đặc biệt với các khách hàng tốt (ít nguy cơ rủi ro) hay khách hàng chiến lược...
Dù vậy, theo TS Bùi Quang Tín, bên cạnh việc chi phí đầu vào là lãi suất huy động tăng lên nên sẽ có tác động ít nhiều lên lãi suất cho vay thì lãi suất cho vay còn chịu áp lực nhiều hơn từ việc tăng các chi phí hoạt động khác của ngân hàng như cải tổ hệ thống công nghệ thông tin, tăng lương để giữ nhân tài…
Do đó, "ít nhất trong quý 4/2018 và quý 1/2019, thách thức để giảm được lãi suất cho vay là vô cùng khó", ông Tín dự báo.
Bản tin nhận định mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, sau vài tháng gần như giữ nguyên, lãi suất cho vay VND đã bắt đầu tăng vào tháng 8 và tháng 9 với mức tăng tổng cộng trong 2 tháng là 0,48%. Mặt bằng chung, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn rơi vào từ 7-9%/năm còn trung dài hạn rơi vào từ 9-12,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD bình quân là 5,05%/năm gần như giữ nguyên bởi nhu cầu vay USD đã bớt căng so với những tháng trước đó./.