Cục Hàng không tái đề xuất dự án “đuổi chim” tại sân bay. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng hay còn gọi dân dã là dự án “đuổi chim” do Cục Hàng không Việt Nam đề xuất vào năm 2016 đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận và các cơ quan quản lý.
Sau một thời gian nghiên cứu và chỉnh lý hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã “tái” đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) và Nội Bài (Hà Nội).
Dự án “đuổi chim” giá 1.000 tỷ đồng
Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng vừa được Cục Hàng không đề xuất có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 510 tỷ đồng và tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là 486 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng không, đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất lần này không ngoài mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.
Cục Hàng không cũng xác định tình hình ngân sách nhà nước hiện còn khó khăn, phương án nhà nước đầu tư trực tiếp từ ngân sách là không khả thi, nên dự án đã được lựa chọn đưa ra 3 phương án đầu tư.
Phương án 1 là giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Phương án 2 là huy động doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP ( hợp tác công – tư).
Đây là phương án theo đánh giá của Cục Hàng không là có nhiều ưu điểm và khả thi nhất. Với phương án này sẽ giúp chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay.
Phương án 3 là Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng dự án thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thoả thuận với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này lại giao cho người khai thác cảng hàng không, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN
Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).
Vì sao phải có hệ thống phát hiện vật thể lạ?
Theo thống kê của Cục Hàng không, trong 2 năm 2014 – 2016, tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xảy ra 156 vụ liên quan tới vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp.
Điển hình nhất có thể kể đến sự cố ngày 8/1/2016, chiếc Airbus 321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines chở 162 hành khách từ Đà Nẵng đi Hà Nội bị rách lốp do tác động của vật ngoại lai trên đường băng, gây mất an toàn hàng không.
Sự cố va phải chim gây hỏng động cơ của hai chuyến bay Hà Nội - Tokyo, Nhật Bản (VN310/311) và TP HCM - Seoul, Hàn Quốc (VN408/409) của Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã dẫn đến tình trạng chậm chuyến của hàng loạt chuyến bay nội địa và quốc tế trong tối ngày 2/10/2016 và ngày 3/10/2016.
“Những sự cố này thường xảy ra trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh có nguy cơ mất an toàn cao nên việc chim va tàu bay, động vật hoang dã xâm nhập đường cất hạ cánh là những mối nguy hiểm trực tiếp đối với hoạt động khai thác bay”, đại diện một hãng hàng không cho biết.
Cũng theo vị này, sự cố do vật ngoại lai gây ra đối với máy bay sẽ làm thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là chi phí khai thác như: chi phí thuê tàu bay, chi phí dừng tàu bay tại sân đỗ, chi phí cho tổ bay (lưu trú tại địa phương), chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, chi phí nhân lực và vật lực đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách có mặt tại sân bay... Ngoài ra, chuyến bay bị chậm, bị hoãn lại sẽ gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay tiếp theo.
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận tại các địa phương, hạ tầng sân bay, cảng hàng không rất thiếu thốn, hầu như không có rào vây quanh. Khu vực dân sinh gần với sân bay, khoảng trống quanh sân bay lại quá rộng nên đôi khi lực lượng canh gác và quan sát không thể bao quát được hết, vì vậy đã có chuyện người, chim trên trời, bò, trâu … lọt vào sân bay rất dễ ràng và gây mất an ninh an toàn hàng không.
“Riêng với người thì dù cố tình hay vô thức cũng có thể áp vào quy định để xử lý, răn đe. Nhưng với trâu, bò và chim trên trời thì không thể truy tội hay xử phạt được”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Hai lần đề xuất
Cuối tháng 7/2016, ACV lần đầu tiên trình Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) với kinh phí đầu tư hơn 1.160 tỷ đồng. Giải pháp này do Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) đầu tư và triển khai thực hiện.
Hệ thống này có mục đích phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý toàn bộ chim, vật thể lạ trên đường hạ cất cánh có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, thay thế cho phương pháp hiện tại là quan sát bằng mắt thường tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đánh giá dự án cảnh báo, xử lý chim trời là cần thiết nhưng tại văn bản phản hồi ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không cho rằng đề xuất của ACV còn khá sơ sài và thiếu phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác, cũng như chưa đánh giá chính xác về các tính chi phí, thu hồi vốn đầu tư...
Sau khi xem xét và chỉnh lý hồ sơ, tháng 11/2016, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất triển khai dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng mới hai phương án chi tiết và cụ thể hơn.
Tổng mức kinh phí đầu tư của dự án này là 996 tỷ đồng, giảm 164 tỷ đồng so với dự án của ACV. Tuy nhiên, đề xuất này của Cục Hàng không sau đó đã không được Bộ Giao thông Vận tải thông qua.