11 nước thành viên CPTPP. Ảnh: WB |
TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, dù có 20 điều khoản hoặc bị tạm treo hoặc đã được thay đổi so với TPP-12 đã được ký kết năm 2016 có cả Mỹ, nhưng TPP-11 tức CPTPP vẫn là một thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao. Bên cạnh đó, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn (tổng dân số của 11 nước khoảng 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu).
“Hiệp định thể hiện tính toàn diện vì bao quát hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động, môi trường, doanh nghiệp… và tiến bộ vì hướng đến sự cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước, đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia, đồng thời, mang tính mở, đặt mục tiêu bảo vệ lao động và môi trường”, ông Phong nhận định.
Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Phong, đối với Việt Nam, CPTPP sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt.
Cụ thể, về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, việc tham gia hiệp định thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài và đã được minh chứng trong thời gian Việt Nam tham gia đàm phán TPP.
Ngoài ra, Hiệp định CPTTP có tính mở, khuyến khích các nước tham gia nhằm thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi đó lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, “CPTPP có hiệu lực sẽ gỡ bỏ một số rào cản, Việt Nam cũng có được nhiều ưu đãi. Hiệp định sẽ đóng góp cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đột phá thì không”.
Mặt khác, đối với những quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong CPTPP như Nhật Bản, Mexico, Canada hay Singapore, Việt Nam đều đã có những hiệp định thương mại song phương. “Hợp tác thương mại, ưu đãi cũng như tiềm năng phát triển từ những hiệp định này cũng đã giúp chúng ta tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua rồi chứ không phải chờ đến khi CPTPP có hiệu lực”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, khác với hiệp định song phương thường tập trung vào vấn đề thương mại, đặt trọng tâm vào những quyền lợi kinh tế; hiệp định đa phương mang tính chất cải tổ mạnh mẽ, toàn diện hơn. Đó là sự liên kết giữa các quốc gia không chỉ qua trao đổi hàng hóa mà còn liên quan đến các chính sách khác của các Chính phủ.
Vì vậy, “cái tôi nhìn thấy trong CPTPP không phải việc khuếch trương về mặt xuất khẩu mà là tiền đề, động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện từ thể chế-chính trị, đến kinh tế-xã hội", ông Hiếu nói.
“Khi vào những sân chơi quốc tế phải thay đổi toàn bộ, không chỉ là thay cái áo đang mặc mà cơ thể cũng phải cường tráng lên để đủ sức hội nhập và cạnh tranh”, vị chuyên gia nhận định.
Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Phú Thái (DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ) cho biết, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu trong các kênh bán lẻ tại Việt Nam hiện nay khoảng 30%, với CPTPP, khi giảm các rào cản thương mại giữa các nước, các mặt hàng nước ngoài sẽ có cơ hội hơn.
“Đối với công ty Việt Nam trong lĩnh vực này cũng sẽ có thêm cơ hội nhưng không nhiều vì chúng ta đã tham gia sâu rộng trong nhiều hiệp định song phương, đa phương khác”.
Trước nguy cơ xâm nhập thị trường của hàng hóa và các công ty ngoại, đại diện Phú Thái cho rằng đây là thách thức cạnh tranh cho các DN nội nhưng cũng là cơ hội để bắt tay với các DN nước ngoài, vừa hạn chế sự đối đầu vừa là cơ hội học hỏi, củng cố để mạnh hơn và mở rộng thị trường.
Đồng quan điểm, Luật sư Ngô Văn Hiệp, đại diện Hiep&Associates Law Firm cho rằng, CPTPP tạo ra cơ hội cho tất cả các quốc gia tham gia. Tuy nhiên, có nắm bắt được những cơ hội đó hay không còn phù thuộc vào khả năng, sự nhạy bén và tiềm lực kinh tế của chính các DN. Vì vậy, các DN Việt phải chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghệ, trang bị kinh nghiệm, khả năng cho người lao động… để nâng thế mạnh nội tại, tăng khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, không nên “vội mừng” vì được hưởng ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, bởi các quốc gia có thể dùng những hàng rào khác để cản trở hàng hóa nhập khẩu như hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… muốn vượt qua, phải nâng chất lượng hàng hóa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của những thị trường nhập khẩu, tránh trường hợp nhiều lô hàng bị từ chối, trả về do không đạt tiêu chuẩn của nước họ, gây nhiều khó khăn trong việc tái xuất cũng như làm mất uy tín của hàng Việt trên trường quốc tế.