Cộng lực cho khát vọng thêm nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rất trăn trở về nguyên nhân có ít doanh nghiệp (DN) lớn trong cộng đồng DN Việt Nam dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được xây dựng và thực thi.
Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Khát vọng phát triển nhiều DN hùng mạnh để góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh, độc lập, tự chủ, nâng cao vị thế của quốc gia cần sự quyết tâm và đồng lòng từ DN, doanh nhân, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách.

Gần 40 năm kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn mở cửa, DN Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Song, số lượng các DN lớn, tầm cỡ thế giới vẫn rất hãn hữu. Ông bình luận gì về điều này?

DN lớn mạnh là mong muốn không chỉ của cộng đồng DN mà còn của cả xã hội, Đảng, Nhà nước. Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực ban hành và thực thi nhiều giải pháp, chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nâng cao nguồn lực cho DN nhằm hiện thực hóa khát vọng này. Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu DN, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 DN quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Một nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu nêu trên là phát triển lực lượng DN; thúc đẩy kết nối DN thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển lực lượng DN tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giai đoạn vừa qua, Nhà nước kiên trì, bền bỉ, thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chín năm liền kể từ năm 2014, Chính phủ có nghị quyết chuyên đề về xóa bỏ rào cản pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN - thường được nhắc đến là “Nghị quyết số 19”, “Nghị quyết số 02”. Quốc hội lần đầu tiên tổ chức một kỳ họp bất thường thông qua một luật sửa đổi cùng lúc nhiều luật nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của DN và nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch Covid-19.

Tuy vậy, theo đánh giá của Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500) - năm 2022, khối DN tư nhân trong nước chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, các DN tư nhân lớn chưa đạt được tầm cỡ thế giới; một số DN tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều; số lượng DN tư nhân trong nước từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ quy mô vừa vươn lên quy mô lớn khá ít ỏi. Tốc độ chuyển dịch quy mô chậm, nhiều DN phải mất 10 - 20 năm phát triển thành quy mô vừa.

Từ thực tế trên, cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng đội ngũ DN lớn mạnh như mục tiêu chính sách đã đề ra.

Điểm quản trị công ty (%) của Việt Nam so với một số nước ASEAN. Nguồn: Dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN 2019

Điểm quản trị công ty (%) của Việt Nam so với một số nước ASEAN. Nguồn: Dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN 2019

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng nêu trên? Phải chăng vẫn còn những điểm cản trở từ cơ chế, chính sách?

Từ chủ trương đến chính sách đều thể hiện quyết tâm, mục tiêu rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi để các DN lớn mạnh. Song quá trình triển khai cho thấy vẫn còn những trở ngại về thể chế, chính sách dẫn đến kết quả hạn chế. DN phản ánh, thể chế pháp luật kinh doanh vẫn có nhiều hạn chế gây khó cho DN.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, một mặt, DN đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho cộng đồng kinh doanh và kỳ vọng cải cách hơn nữa. Mặt khác, DN lo lắng nhiều chính sách mới ban hành hoặc dự kiến ban hành làm tăng thêm chi phí, khó khăn cho DN.

Báo cáo VPE 500 nhấn mạnh: “Các cải cách hiện nay là đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc cải thiện môi trường kinh doanh đang hướng nhiều vào khía cạnh gia nhập thị trường hơn là giúp DN tăng trưởng nhanh và phát triển về quy mô cũng như chiều sâu. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về môi trường kinh doanh đối với các DN đang hoạt động, tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường cạnh tranh, đặc biệt là các chính sách nhằm giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh và đạt được lợi thế theo quy mô”.

Như vậy, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng thể chế, chính sách và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Trong môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện từng bước, có những DN tiếp tục lớn, trong khi không ít DN phải thu hẹp quy mô. Bên cạnh môi trường kinh doanh, có phải nhiều DN còn gặp trở ngại từ chính nội lực của họ?

Nhìn từ góc độ DN, môi trường thể chế là quan trọng, nhưng để phát triển thì bản thân DN cũng phải vận động trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Từ thực tiễn tôi thấy, năng suất lao động và quản trị DN là hạn chế của DN Việt Nam trong cuộc cạnh tranh hiện nay.

Về năng suất lao động, tại Báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo JICA, khả năng hội nhập của người lao động Việt còn chưa cao, trình độ tay nghề còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Kỹ năng thấp có thể coi là rào cản của người lao động Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0 và là rào cản để Việt Nam hướng tới hội nhập toàn cầu.

Trong khi đó, vấn đề quản trị công ty chưa được nhiều DN chú ý đúng mức, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của quản trị tốt còn hạn chế. Thực tiễn quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn tình trạng nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị vì chính lợi ích của DN. Theo Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty các nước ASEAN, quản trị công ty ở Việt Nam luôn ở mức thấp nhất, sau các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Quản trị công ty tốt không chỉ giúp DN tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ, tăng độ tin cậy và dễ dàng hơn trong huy động vốn, mà còn giúp ngăn ngừa rủi ro, vận hành hệ thống ổn định, kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy DN tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Do đó, để phát triển bền vững thì thiết lập và vận hành quản trị công ty tốt là yếu tố then chốt, xét từ góc độ DN.

Theo ông, cần làm gì để Việt Nam ngày càng có nhiều DN lớn mạnh?

Để có lực lượng DN lớn mạnh và trường sức trong cạnh tranh đòi hỏi hành động cả từ phía Nhà nước và chính bản thân mỗi DN. Đối với Nhà nước, đó là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng và thúc đẩy phát triển; đối với DN là nâng cao kỹ năng, trình độ kinh doanh và quản trị công ty tốt - những việc mà đôi khi Nhà nước không thể làm thay DN.

Về thể chế, tôi nhận thấy rằng cải cách thể chế cần được nhìn nhận là một quá trình thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc bởi thay đổi đời sống kinh tế - xã hội và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia. Cải cách thể chế cần chú trọng nhiều hơn ở khâu hậu gia nhập thị trường, tức là môi trường kinh doanh giúp DN lớn mạnh nhanh; chuyển dần từ xóa bỏ rào cản sang chủ động tạo lập môi trường thúc đẩy sự phát triển, nuôi dưỡng sự phát triển. Trong việc nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, ngoài rà soát, sửa đổi chính sách hiện hành, cần chú trọng kiểm soát chất lượng chính sách mới.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách một cách kịp thời, công bằng, đầy đủ là rất quan trọng. Chính sách tốt mà yếu kém trong khâu thực thi sẽ hạn chế hiệu quả chính sách, có nguy cơ gây méo mó cạnh tranh và gia tăng rủi ro, chi phí cho DN. Ví dụ như thanh, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của DN, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thanh, kiểm tra cũng có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với DN, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp, có hiện tượng cán bộ lợi dụng thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu DN, một số DN bị thanh, kiểm tra quá mức... Hệ quả là các DN thường phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh, kiểm tra; tạo ra tâm lý lo lắng, bất an, thậm chí sợ lớn. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh tình trạng cố tình thanh tra để gây khó, song vẫn cần cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Trong xây dựng môi trường kinh doanh, ngoài tính toán đến đặc điểm DN nhỏ, cần chú trọng thúc đẩy hình thành DN lớn, liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa để cùng phát triển - điều mà Đài Loan, Hàn Quốc… đã thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, mỗi DN cần phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ như, quản trị tốt không phải chỉ là áp dụng đúng luật một cách hình thức hoặc khiên cưỡng. Mức độ cao nhất của quản trị công ty tốt chính là quản trị vượt trên sự tuân thủ, hướng tới áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế tốt, ở mức cao hơn luật.

Mong muốn có nhiều DN lớn vẫn còn là khát vọng và chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng lòng, hành động quyết liệt từ cả DN, doanh nhân và cơ quan xây dựng, thực thi chính sách.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng DN trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua. Chúc cộng đồng DN luôn vững bền ý chí và thành công.

Chuyên đề