Báo cáo được công bố, Bộ Công Thương sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hoạt động này một cách khách quan và chính xác nhất giúp ích cho hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn. Ảnh: Nguyễn Thủy |
Đây là báo cáo thường niên đầu tiên được Bộ Công Thương thực hiện nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh về hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) năm 2016; trợ giúp công tác hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế liên quan đến XNK; giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động kinh doanh, phát triển ổn định và giảm rủi ro.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động XNK đối với sự phát triển kinh tế, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “XNK có vai trò rất quan trọng đối với sự lớn mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua trong bối cảnh đất nước mở rộng cửa làm ăn với bên ngoài”. Theo Thứ trưởng Khánh, năm 2016 là năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, đạt gần 177 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015 trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng trưởng. Đây là một kết quả khả quan trong tương quan so với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, tăng tưởng xuất khẩu cũng thể hiệ sự phục hồi của sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
“Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa làm hài lòng nhiều người”, ông Khánh cho biết và hy vọng với Báo cáo được công bố, Bộ Công Thương sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hoạt động này một cách khách quan và chính xác nhất giúp ích cho hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn.
Báo cáo dày khoảng dài khoảng 160 trang và một số phụ lục cung cấp thông tin về kết quả đạt được và chưa được cũng như những cơ hội, thách thức, bước tiến mới của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến quản lý ngoại thương như: xây dựng cơ chế, chính sách XNK; các chương trình xúc tiến thương mại; các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; thuận lợi hóa thương mại; phòng vệ thương mại.