Tỷ trọng cho vay đầu tư chứng khoán hiện chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cuối 2016. |
Tính toán theo số liệu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay (17/11), dư địa để các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán còn rất lớn.
Cụ thể, Thống đốc cho biết, đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng dư nợ của các tổ chức tín dụng hiện nay ở mức thấp, giảm mạnh so với 2016. Tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cuối 2016.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư chứng khoán. Về giới hạn, ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ.
Với giới hạn trên, tính theo quy mô tổng vốn điều lệ 505.258 tỷ đồng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đến 31/8/2017, mức cho vay tối đa đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán có thể lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, tức vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng có thể tăng thêm.
Quy mô dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán thấp, cũng như giảm mạnh so với năm 2016 như trên được đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sôi động và tăng trưởng khá mạnh từ đầu năm đến nay. Quy mô giao dịch trên các sàn liên tục ghi nhận những phiên nguồn tiền đổ vào mạnh, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng từ thông tin tại buổi chất vấn sáng nay, tín dụng cho vay bất động sản hiện ở mức trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
"Tốc độ tăng tín dụng thấp hơn so với năm ngoái và các loại tín dụng toàn hệ thống", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Cũng như với cho vay đầu tư chứng khoán, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nâng các điều kiện thời gian qua để kiểm soát, hạn chế rủi ro.
Như với cho vay đầu tư bất động sản, hệ số rủi ro đã tăng lên, cùng với lộ trình thực hiện hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.