Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị áp giải vào phòng xử án. Ảnh: TTXVN |
Phiên sơ thẩm xử ông Trịnh Xuân Thanh cùng bảy đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra ở công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) trong sáng nay tiếp tục với phần đặt câu hỏi của luật sư.
Phiên tòa xoay quanh việc chuyển nhượng 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương ở dự án Nam Đàn Plaza có quy mô gần 10.000 m2 trên đường Phạm Hùng (Hà Nội).
Trong khi đó Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) lại chiếm gần 30% vốn điều lệ của PVP Land, vì thế vai trò của chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh có tính quyết định tại vụ chuyển nhượng này.
Theo nội dung vụ án, giá chuyển nhượng được PVC quyết với mức thấp hơn thực tế nhằm để các bị cáo hưởng tiền chênh lệch tới 18 triệu đồng/m2. Nhà chức trách xác định, việc này có sự móc nối, chỉ đạo, thực hiện giữa các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch công ty Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà – em trai ông Đinh La Thăng), Thái Kiều Hương (cựu phó tổng giám đốc công ty Vietsan), Đào Duy Phong (cựu chủ tịch HĐQT PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (cựu tổng giám đốc PVP Land), Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land, đã chết và được đình chỉ điều tra), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới tự do) cùng với sự đồng tình của Lê Hòa Bình (cựu chủ tịch HĐQT công ty 1/5 và Công ty Minh Ngân).
Mở đầu phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Duy khai không bàn bạc gì về việc chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 (trong khi tại hợp đồng đặt cọc là 52 triệu đồng/m2) để nhằm chia nhau tiền chênh lệch giá.
Tuy nhiên, qua lời khai của các bị cáo trong chiều qua cũng như nội dung điều tra đã cho thấy điều ngược lại. Theo hồ sơ vụ án, vào dịp Tết âm lịch năm 2010, biết ông Duy là người môi giới bất động sản, ông Bình trong một cuộc gặp đã đề cập ý định muốn mua cổ phần của PVP Land ở dự án Nam Đàn Plaza.
Đầu tháng 3/2010, thông qua sự môi giới của Duy, ông Bình đã gặp Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land Đặng Sỹ Hùng đặt vấn đề mua 100% cổ phần của nhóm cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương (trong đó có PVP Land) với giá tương đương 52 triệu đồng/m2. Nếu mọi việc trót lọt, Duy sẽ được hưởng tiền môi giới ở mức 5 triệu đồng/m2.
Duy sau đó đến gặp chủ tịch HĐQT PVP Land Đào Duy Phong, giới thiệu là người muốn mua dự án Nam Đàn Plaza. Tại buổi gặp này, bà Thái Kiều Hương nói rằng trước đó đã gặp ông Thanh và được thống nhất giá bán 40 triệu đồng/m2 nhưng tại hợp đồng chỉ ghi 34 triệu đồng/m2. Trong phần tiền chênh lệch, ông Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, bà Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho ông Thanh và Thắng (người có vai trò kết nối cho bà Hương gặp ông Thanh)...
Ông Phong hiểu đây là chỉ đạo của cấp trên nên đã truyền đạt lại cho tổng giám đốc PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh để làm việc với bà Hương và Duy về việc bán cổ phần. Ông Phong khai bị cáo Hương khi đó còn nói đã kiểm tra tài khoản của Duy thấy có gần 1.000 tỷ đồng nên ông rất tin tưởng vào nhà đầu tư giàu có này.
* Vụ án tham ô xảy ra tại PVPLand
Tại tòa, bà Thoa khai nhớ có một buổi ông Duy đến văn phòng công ty đòi ông Bình trả tiền môi giới và đã xảy ra to tiếng. Bà Thoa nghe thấy ông Duy nói "mày lừa tao à" rồi bực tức bỏ về, tuyên bố sẽ còn quay lại.
Tòa công bố lời khai của người đã chết là ông Hùng cho thấy ông này được Duy nhờ nhận giúp 20 tỷ đồng tiền công môi giới từ ông Bình. Khi nhận tiền, ông Hùng đưa Duy 8 tỷ, giữ lại 12 tỷ để cùng kinh doanh cổ phiếu. Tuy nhiên, trước tòa hôm nay, Duy không thừa nhận lời khai này.
Theo cáo trạng, ngày 27/3/2010, nhóm năm cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương thống nhất ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu tại dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza ở đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5) với giá là 20.756,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2.
Trong khi bốn cổ đông thực hiện việc chuyển nhượng với giá trên, thì cổ đông còn lại cũng là đơn vị sở hữu nhiều cổ phần nhất (50,5%) là PVPLand lại chỉ bán với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2. Tổng giá trị hợp đồng hơn 191 tỷ đồng, giảm 87 tỷ so với giá tại hợp đồng đặt cọc và khoản này được xác định là thiệt hại của PVP Land.
Nhà chức trách xác định việc chuyển nhượng giá thấp nhằm lấy tiền chênh lệch chia nhau giữa các bị cáo, tổng cộng 49 tỷ đồng. Cụ thể, ông Thanh bị cáo buộc tham ô 14 tỷ đồng, ông Thắng: 5 tỷ; ông Phong: 8 tỷ; ông Sinh: 2 tỷ; ông Hùng: 20 tỷ.
Viện kiểm sát xác định toàn bộ hơn 12 triệu cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thuộc phần góp vốn của nhà nước, bởi PVC là doanh nghiệp có gần 89% vốn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).