Có kẽ hở trong thẩm định tài sản bảo đảm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát cho vay, trong đó có thẩm định tài sản bảo đảm (TSBĐ), là một trong những điểm cần thiết để ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng quán triệt nhân viên thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, chính sách nội bộ về thẩm định cho vay, tài sản bảo đảm. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng quán triệt nhân viên thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, chính sách nội bộ về thẩm định cho vay, tài sản bảo đảm. Ảnh: Lê Tiên

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực hiện quy trình này được hiểu là có thể có sơ hở, lỏng lẻo trong thực hiện quy trình tại một số ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, NHNN cần thanh tra thường xuyên việc thực hiện quy trình này tại các tổ chức tín dụng và xử phạt nghiêm với các vi phạm.

NHNN vừa có Công văn số 1007/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tổ chức quán triệt đến cán bộ quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và 2017 để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi nhận hối lộ liên quan đến cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng khác; chủ động đề cao cảnh giác, phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật trong tổ chức, đơn vị.

Các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng như một số văn bản chỉ đạo khác của Thống đốc. Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cần tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, quản lý và kiểm soát rủi ro. Vận động cán bộ, nhân viên tích cực tham gia phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình, chính sách nội bộ phù hợp với quy định pháp luật và diễn biến tình hình, thủ đoạn tội phạm trong ngành ngân hàng, đặc biệt là các quy định, quy trình kiểm soát về cho vay.

Đáng chú ý, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải quán triệt tới các cán bộ, nhân viên ngân hàng thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, chính sách nội bộ về thẩm định cho vay, thẩm định TSBĐ… Khi thẩm định TSBĐ, cần xác định rõ hiện trạng tài sản và hồ sơ pháp lý. Đồng thời, cán bộ thẩm định của ngân hàng phải giải thích, hướng dẫn cho người dân, khách hàng về quyền và nghĩa vụ khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Bình luận về nội dung này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các yêu cầu về thẩm định TSBĐ nói trên là quy trình mặc định với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc thẩm định hiện trạng và hồ sơ pháp lý của TSBĐ là nguyên tắc bắt buộc để xác định đúng giá trị, làm căn cứ để duyệt mức cho vay và các điều khoản tín dụng khác. Việc thông báo cho khách hàng, người dân về quyền và nghĩa vụ khi thế chấp cũng là lẽ đương nhiên giúp họ hiểu rõ và tránh phát sinh tranh chấp sau này.

“NHNN lên tiếng nhắc nhở những việc tưởng như hiển nhiên này cho thấy có thể NHNN phát hiện kẽ hở, sự lỏng lẻo của các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện hoặc giám sát các cá nhân thực hiện quy trình này”, ông Hiếu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, có một điểm đáng chú ý là phần lớn các ngân hàng dùng chính cán bộ của mình thực hiện thẩm định TSBĐ. Trong khi đó, ở các nước phát triển, việc thẩm định TSBĐ ở một ngưỡng giá trị nào đó trở lên được yêu cầu phải có cơ quan thẩm định giá độc lập thực hiện. Sự tham gia của cơ quan thẩm định tài sản độc lập có thể ngăn được tình trạng nhân viên ngân hàng “bắt tay” với khách hàng nâng giá trị TSBĐ để duyệt khoản vay ở mức quá cao, dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.

“Bên cạnh việc nhắc nhở này, NHNN cần thực hiện thanh tra thường xuyên việc thực hiện các quy trình cho vay, đặc biệt là quy trình thẩm định TSBĐ tại các tổ chức tín dụng và cần xử lý thật nghiêm với các vi phạm này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề