Cải tạo lại đất đã trồng lay-ơn để chuyển sang trồng rau ăn lá ở Phú Yên. |
* Xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD
Từ vị trí là mặt hàng khiêm tốn, rau quả đã có bước tiến đáng kể để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn xa tới hơn 60 thị trường trên thế giới.
Có thể nói, 10 năm lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2005, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD. Năm 2015, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 7 lần, đạt 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2016, mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,2 tỷ USD). Về thị trường, Trung Quốc vẫn chiếm thị phần chính với hơn 70%, nhưng có sự tăng trưởng đáng kể ở những thị trường khó tính như: Mỹ (tăng 49%), Australia (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%)...
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với cà phê (tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị), vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su (tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị), chè (tăng 7,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị), hạt điều (tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị), bên cạnh đó xuất khẩu gạo còn giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 3-2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 543 triệu USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khẳng định rau quả Việt có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng các chuyên gia cho rằng nhóm hàng này của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hàng rào kỹ thuật và nhiều tiêu chuẩn cao từ các nước nhập khẩu là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam.
* Tăng cường đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay bài toán về chất lượng các mặt hàng rau quả cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn. Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị trước hết các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng các lô hàng xuất khẩu.
Theo đó, từ khâu sản xuất đến đóng gói đều phải đảm bảo an toàn, không sử dụng các chất bảo quản. Đồng thời, ngoài xuất khẩu các loại rau quả tươi thì các doanh nghiệp cũng cần đầu tư sâu thêm vào khâu chế biến sâu để đa dạng sản phẩm rau quả xuất khẩu. Xuất khẩu rau quả vẫn phải đi song hành cả xuất khẩu tươi và xuất khẩu sản phẩm chế biến. Bởi rau quả tươi vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng khá lớn của người tiêu dùng trên thế giới. Còn chế biến là tận dụng rau quả không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi. Do đó, nếu đi song hành được cả xuất khẩu tươi và chế biến, chắc chắn giá trị xuất khẩu rau quả sẽ còn tăng rất mạnh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ ngành xuất khẩu rau quả, Hiệp hội cũng như các cơ quan chức năng dự kiến đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để vú sữa, xoài xuất khẩu sang Mỹ; thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản; và vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm sang Hàn Quốc…
Cục Bảo vệ Thực vật cũng sẽ tích cực đàm phán để đối tác gỡ bỏ rào cản kỹ thuật hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn, nhằm giúp trái cây Việt xâm nhập những thị trường khó tính.
Ngoài ra, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch triển khai mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa nông sản xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng. Đồng thời, sẽ thường xuyên cùng các doanh nghiệp tổ chức và tham gia vào các hội chợ nông sản thực phẩm lớn trên thế giới để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, tìm kiếm nhiều đối tác phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, cũng như để quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mặt hàng rau quả Việt Nam trên trường quốc tế.