Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: TTXVN |
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trả lời phỏng vấn phóng viên về kết quả chuyến thăm của đoàn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, các nhà lãnh đạo Singapore rất coi trọng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội nước ta và chúc mừng Việt Nam đã tổ chức rất thành công Tuần lễ Cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng vừa qua, coi đây là định hướng cho tương lai của APEC.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đánh giá cao Việt Nam đã rất chủ động và có trách nhiệm trong việc chủ trì các nước còn lại tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về quan hệ hợp tác song phương, các nhà lãnh đạo Singapore khẳng định các công ty, tập đoàn của Singapore mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đánh giá tốt môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định chính trị, ổn định chính sách và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thu hút tới 190 doanh nghiệp phía bạn tham gia, cao gấp ba lần số lượng dự kiến.
Singapore mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo đảm sự phát triển bền vững, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư Singapre cũng muốn tiếp tục đầu tư vào những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và đề xuất hợp tác về giáo dục, hợp tác nghiên cứu đầu tư tái phát triển đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore, trao đổi biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí, thời gian tới hai bên quyết tâm thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, các cơ quan của Quốc hội, tổ chức hữu nghị, phát huy những kết quả tốt đẹp của mối quan hệ Đối tác Chiến lược.
Về chuyến thăm chính thức Australia lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã nhận được sự tiếp đón trọng thị của các nhà lãnh đạo Australia.
Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, hai bên đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực thiết thực, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt là tại phiên điều trần của Thượng viện Australia, Chủ tịch Thượng viện Australia đã mời Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân vào phòng họp, ngồi ở bàn chủ trì và mời tất cả thành viên đoàn tham dự 35 phút.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, các nhà lãnh đạo Australia cũng đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bày tỏ vui mừng trước việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian sớm nhất.
Các nhà lãnh đạo Australia nhận xét rằng, trải qua 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước không ngừng phát triển và ngày càng sâu sắc toàn diện. Mặc dù về mặt địa lý, hai nước cách xa nhau nhưng Việt Nam là bạn hàng thương mại đứng thứ 15 của Australia và đứng thứ 5 về số lượng sinh viên du học. Ngoài ra, trong 3 năm qua, số lượng sinh viên Australia sang Việt Nam du học tăng nhanh.
Năm 2015 có 161 sinh viên nghiên cứu và học tập, năm 2016 là 261 sinh viên, năm 2017 là 340 sinh viên, dự kiến đến năm 2018 con số này sẽ là hơn 700 người. Đây chính là những đại sứ trẻ hữu nghị năng động trong tương lai.
Tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Australia đánh giá Việt Nam là một đất nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Theo Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, trong năm 2016 đã có 260.000 lượt người Australia sang du lịch Việt Nam và tới đây lượng du khách Australia sẽ tăng rất nhanh vì Việt Nam có nhiều kỳ quan nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Sơn Đoòng…
Nhiều điểm du lịch tại Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu của người dân các nước phát triển, có thu nhập cao như Australia.
Đặc biệt trong chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các nhà lãnh đạo Australia đã thể hiện sự quan tâm và chủ động đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng, Bộ Ngoại giao Australia vừa xuất bản Sách Trắng có đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Quan điểm nhất quán của các nhà lãnh đạo Australia là tất cả những vấn đề diễn ra trên Biển Đông đều phải thượng tôn pháp luật, phải tuân thủ cam kết và luật pháp quốc tế, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế tại La Haye ở Hà Lan.
Bà Ngoại trưởng cho rằng, mặc dầu Australia không phải là quốc gia có quyền lợi liên quan đến tranh chấp nhưng các nước phải thực hiện tự do hàng hải và Ngài Toàn quyền Australia Peter Cosgrove cũng có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tới thăm Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO) và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR).
Tại CSIRO, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến lễ ký kết Chương trình Hành động giữa Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam với Bộ Công nghiệp và khoa học sáng tạo Australia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Australia ngày càng được nâng lên ở cấp cao và các cấp. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Australia sau 9 năm, và sau chuyến thăm này, Chủ tịch Hạ viện Australia dự kiến sẽ thăm Việt Nam vào tháng 3/2018.
Ngài Toàn quyền Liên bang Australia dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Australia.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định chuyến thăm chính thức Singapore và Australia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thành công tốt đẹp, kết thúc một năm hoạt động đối ngoại sôi nổi của Quốc hội.
Các chuyến đi thăm nước ngoài cũng như tiếp đón các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội các nước đến thăm Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp về mối quan hệ giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu đối ngoại của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.