Chuyến tàu thu 3 triệu, biết là lỗ nặng nhưng ngành đường sắt vẫn duy trì chạy tàu |
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, hiện đơn vị vẫn duy trì chạy 3 đôi tàu an sinh: Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Viên – Hạ Long.
Các chuyến tàu này vắng khách và phần đông khách đi tàu thường là những người có thu nhập thấp.
Bình quân mỗi đôi tàu chỉ thu được 3-4 triệu đồng, trong chi phí lại cao gấp 3-4 lần (khoảng 13 triệu đồng) nên để giảm lỗ có thời điểm công ty chỉ chạy mỗi tuyến 1 đôi tàu vào cuối tuần.
Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt HN thừa nhận, hiện nay giá vé tàu khách các tuyến này được bán ngang và thậm chí thấp hơn giá vé ô tô khách nhưng khách đi vẫn rất vắng.
Tuy nhiên, ngay cả khi các đoàn tàu này kín khách thì đường sắt vẫn không tránh được lỗ, bởi đặc thù của vận tải đường sắt, càng đi ngắn giá thành càng cao do gánh nhiều chi phí.
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, nếu chạy 3 đôi tàu khách này tất cả các ngày trong tuần thì mỗi năm Tổng công ty lỗ khoảng 34 tỷ đồng.
Do càng chạy càng lỗ, nên phương án dừng chạy các tuyến tàu khách trên đã được tính đến. Tuy nhiên, các địa phương lại kiến nghị lên Tổng công ty và các Bộ ngành cho chạy lại tàu để phục vụ bà con nên các chuyến tàu này vẫn được duy trì.
“Ngoài phục vụ bà con, việc tổ chức chạy tàu còn để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng khi cần thiết. Hiện tại cả 3 tuyến tàu khách an sinh đã dừng chạy từ tháng 3 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Phan Quốc Anh cho hay.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN thông tin thêm, đơn vị đã lập kế hoạch, thực hiện các thủ tục trình các cấp xin được chạy tàu an sinh các tuyến trên với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ đồng năm 2019 và hơn 34 tỷ đồng năm 2020 nhưng chưa được phê duyệt.
Đầu năm nay, Tổng công ty tiếp tục kiến nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để giảm thiểu khó khăn.
Thẩm định chặt để tránh thất thoát
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
Việc Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cơ chế hỗ trợ từ ngân sách được xem là chiếc “phao cứu sinh” cho 3 tuyến tàu an sinh trên.
Những chuyến tàu an sinh chủ yếu phục vụ hành khách có thu nhập thấp |
Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện chính sách chạy tàu an sinh phải theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách Nhà nước, không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát.
Đại diện Cục Đường sắt VN (Bộ GTVT) cho biết, Tổng công ty Đường sắt phải xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể về việc chạy tàu để xác định con số dự kiến lỗ tương đối sát với với thực tế.
Cục Đường sắt VN cũng tiến hành khảo sát thực tế nhiều lần, xem mỗi chuyến tàu được bao nhiêu khách, thu được bao nhiêu tiền để lên con số sản lượng, doanh thu cả năm của một đôi tàu, tổng các khoản chi dự kiến và xác định ngân sách cần bù lỗ bao nhiêu.
“Các bước, trình tự thủ tục đều rất chặt chẽ, qua nhiều cấp để đảm bảo chi đúng. Để được thanh toán sau khi tổ chức chạy tàu, doanh nghiệp phải trình hồ sơ thanh quyết toán để các cấp có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định, xét duyệt, lúc đó mới được ngân sách chi hỗ trợ”, Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết.
Ông Phan Quốc Anh cho biết, hiện đơn vị vẫn phải chờ Bộ Tài chính hướng dẫn, xem xét có thể bổ sung vốn ngân sách chi cho hỗ trợ chạy tàu an sinh xã hội các năm 2019, 2020 không. Nếu không được, ngành đường sắt sẽ lại phải gánh lỗ cho các đoàn tàu đã chạy trong thời gian này.