Biến động của bảng giá ngày càng khó đoán định. |
Chốt phiên giao dịch ngày 18/4, VN-Index xuất hiện trên bảng thống kê các thị trường chứng khoán trên thế giới với hai thái cực hoàn toàn khác nhau - thị trường chứng khoán tăng tốt nhất trong 6 tháng và nhóm 3 thị trường giảm mạnh nhất trong một tuần.
Sau khi chạm đỉnh 1.200 điểm, chỉ số đại diện cho Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM đã đảo chiều. Lần lượt các ngưỡng hỗ trợ mạnh bị phá vỡ, gần nhất chỉ số này đã về dưới ngưỡng 1.140 điểm, giảm hơn 5% kể từ mức đỉnh mới xác lập.
Cùng là đà giảm tuy nhiên, điểm khác biệt so với giai đoạn trước là thị trường biến động theo cách khó đoán định hơn.
Không còn những phiên giao dịch có xu hướng chủ đạo từ đầu, thay vào đó là những cú rơi bất thình lình trước khi đóng cửa, hay những phiên giao dịch tăng giảm đan xen với biên độ cao.
Nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho đợt điều chỉnh này khi VN-Index tăng hơn 60% trong một năm gần đây. Nhưng khi thị trường thực sự điều chỉnh, không ít người lại trở nên hoang mang với diễn biến theo kiểu "không biết đâu mà lần".
Phiên giao dịch ngày 17/4, VN-Index chốt phiên tăng 4,79 điểm, tương đương 0,4%. Tuy nhiên con số tuyệt đối không phản ánh được diễn biến thực tế của thị trường. VN-Index biến động trong dải từ 1.139,33 điểm tới 1.156,7 điểm, tương đương biên độ tới 17,4 điểm. Tăng mạnh ngay từ đầu phiên, nhưng gần như cả phiên giao dịch VN-Index nằm dưới mức tham chiếu, đến sát thời điểm đóng cửa nhịp hồi lại xuất hiện.
Ngày 18/4, kịch bản ngược lại khi thị trường tăng đến gần cuối phiên sáng nhưng lực bán tháo ngay trước phiên ATC đã kéo VN-Index giảm sâu gần 15 điểm.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 50% trong năm nay. Còn chỉ số nỗi sợ và lòng tham (fear & greed) của CNN đang ở mức sợ hãi cực độ trong vài tuần vừa qua. Thị trường Việt Nam không có một chỉ số cụ thể đo lường trạng thái tâm lý của nhà đầu tư, nhưng nếu nhìn vào sự vận động của thị trường và thanh khoản, phần nào của câu chuyện cũng lộ diện.
Ngày 11/4, VN-Index rơi từ 1.200 điểm về 1.167 điểm. 33 điểm là con số hấp dẫn để bắt đáy, nhưng phiên giao dịch khi đó đã đóng cửa tại mức thấp nhất trong phiên, nhịp hồi như thường lệ đã không xuất hiện. Thanh khoản trên HoSE gần đây, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, có những phiên đã về dưới 5.000 tỷ đồng.
Sự biến động khó lường về diễn biến trong một phiên giao dịch đang đặt tâm lý của nhà đầu tư vào một phép thử, mà ở đó sự không ổn định, thiếu thận trọng là mấu chốt dẫn tới thua lỗ.
Một bộ phận nhà đầu tư cũng lựa chọn cách tạm thời rút khỏi thị trường và chờ một xu hướng được xác nhận, dù tăng hay giảm. Biểu hiện rõ ràng là thanh khoản sụt mạnh. "Lướt sóng" trong giai đoạn hiện tại cũng gần như bất khả thi bởi diễn biến tăng giảm đan xen không thể dự báo.
Trong báo cáo đưa ra tối 18/4, các công ty chứng khoán hầu như chỉ đưa ra góc nhìn mang tính trung lập, hơn là một dự báo mang tính đích danh về xu hướng.
"Việc thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý e ngại đang có phần thắng thế. Nhiều khả năng chỉ số VnIndex sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về những mốc điểm sâu hơn trước khi có được nhịp hồi phục bền vững trở lại", báo cáo của BVSC nhận định. Còn với Công ty chứng khoán KB Việt Nam, khuyến nghị đưa ra với nhà đầu tư là thị trường đang trong xu hướng tiêu cực với rủi ro tăng mạnh.
"Hãy tham lam khi người khác sợ hãi" - câu nói được nhắc đến gần đây trên nhiều diễn đàn về chứng khoán. Tuy nhiên, yếu tố tham lam không chỉ là những toan tính mua vào khi người khác bán ra, mà còn cần được đặt trong khả năng quản lý rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn mà thị trường đang đưa ra một phép thử khó khăn.