Chứng khoán ngày 3/8: Niềm vui trở lại sau chuỗi ngày “u ám”. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN |
Nối tiếp đà tăng phiên sáng ngày 3/8, đến phiên chiều thị trường tiếp tục hưng phấn. Kết thúc phiên giao dịch, VN – Index tăng 16,26 điểm (2,04%) lên 814,65 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 298,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.752,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 339 mã tăng giá, trong khi chỉ có 33 mã đứng ở mốc tham chiếu và 64 mã giảm giá.
HNX – Index tăng 2,92 điểm (2,72%) lên 110,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 49,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 479,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 124 mã tăng giá, 44 mã đứng giá và 43 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã tăng giá, trong khi chỉ có duy nhất 1 mã giảm giá là NVL (giảm 1,2%). Các mã tăng mạnh có thể kể đến như: SBT tăng 6,1%, HPG tăng tới 5,5%, MSN tăng 4,2%, SSI tăng 4,1%, REE tăng 3,9%, KDH tăng 3,3%, FPT tăng 3,1%, CTD tăng 2,6%, VRE tăng 2,2%...
Tất cả các mã cổ phiếu ngân hàng đều ở chiều tăng giá. Các mã tăng giá mạnh như: VIB tăng 5%, VPB và LPB tăng 3,7%, ACB và VCB tăng 3,1%, CTG tăng 2,6%, SHB và STB tăng 2,5%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không còn mã nào ở chiều giảm giá. Theo đó, PVS tăng tới 5,6%, PVD tăng 4,7%, PVB tăng 3,6%, GAS tăng 2,6%, PVC tăng 2%, PLX tăng 3,7%...
Không chỉ các mã vốn hóa lớn tăng mạnh, ở nhóm cổ phiếu nhỏ, các mã ACL, HQC, HSG, ITA, JVC, OCG, SJF, TTF, TTB, HHS, HDG, HAI, GTN, DLG, AMD nhuộm sắc tím, cùng lượng dư mua trần khá lớn.
Chứng khoán châu Á dịch chuyển ngược chiều trong chiều 3/8, khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao làm dấy lên lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế thế giới.
Chứng khoán Nhật Bản dứt chuỗi sáu phiên giảm liên tiếp khi chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến 2,24% (485,38 điểm) và khép phiên ở mức 22.195,38 điểm.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất pin xe điện và công nghệ tăng giá, qua đó lấn át bớt những lo lắng về diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Phiên này, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul tăng 0,07% (1,67 điểm) lên 2.251,04 điểm.
Diễn biến tại thị trường chứng khoán Trung Quốc thể hiện cho xu hướng trái chiều của khu vực, khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng tới 1,75% (57,96 điểm) lên 3.367,97 điểm sau khi có thông tin hoạt động chế tạo của Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, chỉ số Hàng Seng tại Hong Kong giảm 0,56% (137,22 điểm) xuống 24.458,13 điểm giữa lúc khu hành chính đặc biệt này tiếp tục ghi nhận hơn 100 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Diễn biến đó buộc các cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Chứng khoán Singapore, Mumbai và Đài Bắc (Trung Quốc) cũng đều giảm hơn 1%.
Chứng khoán Manila đã giảm hơn 3% sau khi Chính phủ Philippines cho biết họ sẽ phong tỏa khu vực Thủ đô và các tỉnh lân cận trong 15 ngày vì số ca nhiễm COVID-19 mới tăng đột biến. Jakarta cũng giảm gần 3%, trong khi Sydney, Bangkok và Wellington cũng đều trong vùng mất điểm.
Với việc dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm tốc đà lây lan trên toàn cầu và tổng số ca nhiễm đã vượt 18 triệu ca vào thứ Hai, các Chính phủ như Vương quốc Anh và Australia đang dần nối lại những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Làn sóng lây nhiễm mới đã làm dấy lên nỗi lo về triển vọng phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia Jeffrey Halley tại công ty môi giới đầu tư OANDA nói rằng, dù chưa hoàn toàn tác động lên tình hình thị trường tài chính, nhưng dịch COVID-19 vẫn là yếu tố rủi ro lớn đối với khả năng phục hồi cho kinh tế thế giới. Đặc biệt là nếu các nền kinh tế chủ chốt từng kiểm soát được COVID-19 lại buộc phải tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn.
Bên cạnh đó, việc các nhà lập pháp Mỹ chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào đối với gói kích thích mới cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng. Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng tiếp tục “nóng lên” khi Nhà Trắng xem xét siết chặt các biện pháp chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc, viện dẫn lý do an ninh quốc gia./.