Chứng khoán ngày 26/8: VN – Index giảm gần 10 điểm. Ảnh: TTXVN |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, VN – Index giảm 9,57 điểm xuống 982,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 190 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.336 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 206 mã giảm giá.
HNX – Index giảm 0,44 điểm xuống 102,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 26 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 442 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 45 mã đứng giá và 82 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 22 mã giảm giá, trong khi chỉ có 6 mã tăng giá. Các mã giảm giá mạnh là CTD giảm 2,9%, HPG giảm 2,6%, GAS giảm 2,4%, VNM giảm 2%, VJC giảm 1,5%, VJC giảm 1,3%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực. Ở chiều giảm giá, EIB giảm 3,4%, VCB giảm 1,8%, VIB giảm 1,7%, STB và NVB đều giảm 1,4%...
Ở chiều tăng giá chỉ còn 3 mã là MBB tăng 2,9%, VPB tăng 1,5%, BID tăng 0,8%, đã phần nào tạo lực đỡ cho thị trường.
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực với TDG giảm 2,4%, BSR giảm 1,1%, PVS giảm 1,9%, PVC giảm 1,8%, PVD giảm 0,8%, PLX giảm 1,9%.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới hơn 197 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là quỹ chỉ số E1VFVN30 (gần 83 tỷ đồng), tiếp đến là mã HPG (trên 33 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 2,64 tỷ đồng và mã TNG là mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này.
Trên thị trường UPCOM, khối ngoại mua ròng 30,16 tỷ đồng. Mã được mua ròng mạnh nhất là QNS (hơn 18 tỷ đồng), tiếp đến là VEA (hơn 10 tỷ đồng).
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm điểm khi mở cửa ngày 26/8, trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng quan ngại về tình trạng leo thang của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vào lúc mở cửa ngày giao dịch 26/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 2,56% (tương đương 529,86 điểm) xuống còn 20.181,05 điểm, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) mất 3,27% (857,33 điểm) xuống 25.322,00 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) sụt 1,6% (46,41 điểm) xuống còn 2.851,02 điểm.
Tỷ giá giữa đồng USD và yen đã giảm xuống mức 104,86 yen/USD vào đầu ngày giao dịch 26/8 tại thị trường châu Á, từ mức 105,39 yen/USD tại thị trường New York (Mỹ) ngày 23/8. Đồng USD đã giảm giá sau khi Tổng thống Mỹ Donald Tryump thông báo quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để đáp trả việc Bắc Kinh cảnh báo áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Mỹ. Đồng yen hiện ở mức cao nhất so với USD kể từ tháng 11/2016.
Theo công ty môi giới chứng khoán Okasan Online Securities, thị trường chứng khoán Nhật Bản trong tuần này chắc chắn sẽ có nhiều biến động khi căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng với việc hai nước liên tiếp tuyên bố các mức thuế mới đánh vào hàng hóa của nhau.
Trước đó, ngày 23/8, Tổng thống Trump tuyên bố Washington sẽ tăng thêm 5% thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo của Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter nêu rõ Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện tại với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ mức 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới.
Ông Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỷ USD từ 10% lên 15%.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế trả đũa với số hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD.
Trung Quốc cũng sẽ xúc tiến áp mức thuế 25% với ô tô nhập khẩu và 5% với các phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn từ hồi tháng 12/2018./.