Chứng khoán ngày 22/11: Tiếp tục mất mốc 980. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, VN - Index giảm 10,11 điểm xuống 977,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 230,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.621 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 243 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 1,65 điểm xuống 103,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 25,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 351,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 56 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 85 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục giảm mạnh. Trong rổ cổ phiếu VN30 tới 21 mã giảm giá, trong khi chỉ có 7 mã tăng giá, trong khi có tới 21 mã giảm giá.
Các mã giảm giá mạnh như: CTD giảm 3,5%, SAB (2,5%), SBT (2,2%), GMD (2%), SSI và REE (1,5%), MSN (1,4%), MWG (1,3%)...
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng chìm sâu trong sắc đỏ. Cụ thể, ACB giảm tới 3,3%, BID (2,4%), VCB và HDB đều giảm 2,3%, TPB (2,2%), TCB (1,9%), SHB (1,5%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh. BSR giảm 3%, PVC (2,7%), (2,5%), PVS và PLX (2,2%), GAS (1%).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 11,19 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VCB (trên 46,1 tỷ đồng), VHM (hơn 19,5 tỷ đồng), VJC (gần 13 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 7,94 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PVS (hơn 6,1 tỷ đồng), tiếp đến là MBG (hơn 3,55 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 2,28 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này là VEA (hơn 9,2 tỷ đồng).
Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 21/11 đồng loạt giảm điểm trước các số liệu kém sáng của kinh tế Mỹ.
Chỉ số Dow Jones giảm 54,8 điểm, hay 0,2%, xuống 27.766,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,92 điểm, hay 0,16%, xuống 3.103,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,52 điểm, hay 0,24%, xuống 8.506,21 điểm.
Tám trong số 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm điểm, với bất động sản giảm mạnh nhất với 1,39%. Lĩnh vực năng lượng chốt phiên tăng 1,63%, nhóm tăng điểm mạnh nhất.
Theo báo cáo ngày 21/11 của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 16/11, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này là 227.000, không thay đổi so với mức đã điều chỉnh của tuần trước đó.
Tuy nhiên, đây cũng là mức cao nhất kể từ ngày 22/6, cho thấy thị trường việc làm phần nào yếu đi. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch trước đó dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới sẽ là 218.000 sau khi đã điều chỉnh theo mùa.
Trong khi đó, theo báo cáo của The Conference Board, chỉ số kinh tế chủ đạo của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 10, xuống 111,7 điểm, sau khi giảm 0,2% trong cả hai tháng Chín và Tám.
Nhà phân tích của The Conference Board, Ataman Ozyildirim, cho biết sự giảm sút đó chủ yếu liên quan đến số đơn đặt hàng chế tạo mới, giờ làm việc trung bình hàng tuần và đơn xin bảo hiểm thất nghiệp.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi những diễn biến biến mới về thương mại toàn cầu./.