VN-Index chỉ còn cách ngưỡng kỷ lục 11 năm hơn 10 điểm. |
Cách đây hơn thập kỷ, thứ Hai - ngày 12/3/2007 đã ghi dấu mốc lịch sử của thị trường chứng khoán khi VN-Index đóng cửa tại mức 1.170,67 điểm. Đà sụt giảm mạnh ngay sau đó dưới sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa con số này trở thành mức kỷ lục của thị trường chứng khoán trong gần 20 năm đi vào hoạt động đến nay. Tuy nhiên, lịch sử sắp thay đổi.
Phiên giao dịch gần nhất, VN-Index đã đạt xấp xỉ 1.160 điểm, tức là chỉ cách mức "lịch sử" hơn 10 điểm. Khoảng cách về mặt số học đã được rút ngắn chỉ còn một phiên giao dịch trong điều kiện tăng điểm bình thường, nhưng về mặt tâm lý đó sẽ là sự cởi trói với nhiều nhà đầu tư - những người đã kinh qua giai đoạn khó khăn rất của thị trường.
"Phá đỉnh" - từ khóa xuất hiện dày đặc trên các diễn đàn chứng khoán thời gian gần đây là minh họa rõ ràng nhất cho kỳ vọng thị trường lúc này. Từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, cho tới những nhà đầu tư, đều đang chờ đợi liệu chứng khoán có vượt qua mức đỉnh này hay không. Nếu vượt qua ngưỡng tâm lý 11 năm, VN-Index có thể chinh phục những ngưỡng điểm cao hơn nữa, nếu không trạng thái nghi ngờ sẽ vẫn tồn tại.
Không khó để giải thích điều này. Sự vận động của thị trường chứng khoán, vốn phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, còn nhà đầu tư thường có xu hướng lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Điều này tạo ra những ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ trong phân tích kỹ thuật. Khoảng cách 10 điểm có thể không phải con số quá lớn, khi VN-Index từng có những phiên tăng gấp 3 lần số điểm như vậy, nhưng con số 1.170 điểm lại là nỗi "ám ảnh" với những nhà đầu tư đã trải qua giai đoạn khó khăn, cũng như bài học với những nhà đầu tư hiện tại. Một ngưỡng kháng cự "cứng" đã được xây dựng, từ lịch sử cho tới tâm lý.
Thị trường từ đầu tháng 3 tới nay diễn biến theo tâm lý như vậy, thận trọng, hoài nghi và đầy nghi ngờ. Dù không ít chuyên gia từ ngay đầu năm đã dự báo VN-Index có thể vượt qua ngưỡng kỷ lục, đạt mức 1.200, 1.300 hay thậm chí 1.600 điểm vào cuối năm. Nhưng thị trường, dường như vẫn chưa thể chắc chắn điều đó. Thanh khoản chỉ bằng 70-80% tháng đầu năm, biên độ giao dịch trong phiên được nới rộng nhưng chênh lệch giữa giá mở cửa và đóng cửa lại rất hẹp.
Điều này khiến nhà đầu tư ở cả hai vai đều khó quyết định. Người cầm tiền thì chờ đợi thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng mới, còn người cầm cổ phiếu thì chần chừ đợi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh. Câu hỏi thường trực lúc này là "liệu VN-Index có vượt đỉnh thành công?".
Dù không ai nói ra, dù còn nghi ngờ, nhưng câu trả lời nhận được sự ủng hộ lớn nhất vẫn là có khả năng.
Sau 11 năm, thị trường, thực tế, đã rất khác so với thời kỳ trước. Kể cả khi VN-Index vào nhóm tăng mạnh nhất thế giới, dòng tiền vẫn có sự chọn lọc kỹ lưỡng, phân hóa rõ ràng giữa các nhóm ngành, và giữa những cổ phiếu. Hàng tốt sẽ thu hút sự chú ý, còn "hàng lởm" sẽ bị bỏ qua. Không ít cổ phiếu đã giảm mạnh từ cuối năm 2017 đến nay, dù VN-Index liên tục phá đỉnh.
Cảnh trắng bảng bên bán của 11 năm trước, cũng không lặp lại ở hiện tại. Dòng tiền đi vào thị trường một cách ổn định và có sự luân chuyển nhịp nhàng. Thanh khoản dù ở thời điểm được đánh giá là sụt giảm, cũng duy trì ở mức 6.000 - 7.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Nội tại là vậy, còn yếu tố vĩ mô cũng đang ủng hộ chứng khoán. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục hơn 6,8% vào năm 2017 và dự kiến sẽ tăng cao ngay từ quý I/2018. Tỷ giá, lạm phát giữ ở mức ổn định. Là "hàn thử biểu" của kinh tế, không có lý do gì để chứng khoán đi ngược xu hướng này.
Tài chính - ngân hàng, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là minh họa dễ thấy nhất. Hưởng lợi từ sự ấm lên của nền kinh tế, thị trường bất động sản và dòng vốn được khơi thông, các ngân hàng đua nhau báo lợi nhuận cao đột biến. Nhờ sự kỳ vọng ngày càng gia tăng, chỉ trong chưa tới nửa năm, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, tạo động lực cho đà tăng của VN-Index.
Con số 1.170 điểm có thể khiến nhiều nhà đầu tư gợi nhớ lại thời kỳ "đau thương" của 11 năm trước, nhưng bước qua nó cũng là cánh cửa để mở ra một giai đoạn mới. Không phải ngẫu nhiên khi nhiều tổ chức quốc tế chọn Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất để đầu tư. Và cũng ngẫu nhiên khi VN-Index luôn trong nhóm những chỉ số tăng tốt nhất thế giới.