Chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Tác giả:
Minh Thư
(BĐT) - Hôm nay (8/8/2019), Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2020 vùng miền núi phía Bắc đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi 4 hội nghị được tổ chức trong tháng 8 để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2020.
Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2020 vùng miền núi phía Bắc được Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TT
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ KH&ĐT tổ chức 4 hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2020 tại 4 vùng (trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Mục tiêu nhằm tổ chức xây dựng kế hoạch 2020 đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm và nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương; trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, phương thức mới trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch.
Hội nghị ngày hôm nay tại Tuyên Quang có sự tham gia của đại điện nhiều cơ quan trung ương như Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở KH&ĐT các tỉnh trong vùng...
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TT
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; tình hình trong nước, bên cạnh những điểm sáng trong phát triển kinh tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nút thắt trong phát triển KT-XH của một số địa phương.Trước tình hình đó, Bộ KH&ĐT, với vai trò là tham mưu trưởng trong đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH cả nước, tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2020 nhằm tạo cơ hội cho trung ương và địa phương cùng trao đổi, đưa ra giải pháp và các định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2019 và kế hoạch 2020.
Đồng thời, tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cùng các đại diện cơ quan trung ương sẽ trực tiếp trả lời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, cùng đồng hành với các địa phương giải quyết, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển KT-XH.
Sau Hội nghị, các địa phương sẽ hoàn thiện phương án xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH. Ảnh: TT
Dự kiến sau Hội nghị, các địa phương sẽ hoàn thiện phương án xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH, thúc đẩy giải ngân kế hoạch 2019, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, bám sát với thực tiễn của nền kinh tế, khả năng cân đối vốn của cả nước. Từ đó, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng phương án kế hoạch 2020, dự báo các vấn đề đột xuất, phát sinh trong triển khai kế hoạch 2020, khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ cho địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH cả nước và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đã đề ra (6,8%).
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung khẳng định, Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành cùng địa phương tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.
Từ năm 2017, Bộ KH&ĐT đã chủ động đổi mới cả về nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch. Việc tổ chức hội nghị theo vùng qua hai năm thực hiện được lãnh đạo các địa phương đánh giá là bước đổi mới đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các địa phương được ngồi lại cùng nhau, đưa ra bức tranh KT-XH của từng địa phương, có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nắm được tình hình của các địa phương bạn để có được bức tranh tổng thể về phát triển KT-XH chung của cả nước, cũng như của từng tỉnh, từng vùng. Từ đó, kết quả, cách làm tốt cũng như vướng mắc, khó khăn, giải pháp của mỗi địa phương sẽ là nguồn thông tin chung cho các địa phương khác tham khảo, chia sẻ.