Việc áp dụng sắc thuế này tại Việt Nam là khó bởi tính minh bạch trong thu chi ngân sách chưa được đánh giá cao. Ảnh: Internet |
Dẫn chứng nghiên cứu thực tiễn tại các quốc gia, ông Cường cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng quy thuế này về thuế địa phương. Theo đó, việc đánh thuế liên quan đến tài sản do địa phương quyết định. Chẳng hạn, tại các thành phố lớn, người dân được hưởng cơ sở hạ tầng tốt hơn nên sẽ chịu mức thuế cao hơn so với người dân ở các địa phương khác.
Mặt khác, nghiên cứu của vị phó giáo sư này về mức độ đóng góp trung bình của thuế bất động sản – phần trọng tâm của thuế tài sản - vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, con số này những năm 2000 là 2,12% GDP, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%.
“Nguồn thu từ thuế bất động sản không giống nhau giữa các nước. Ở phần lớn các quốc gia, nguồn thu này được phân bổ cho các địa phương song cũng có một số nước, nguồn thu này thuộc ngân sách trung ương. Thực tế, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản, thường là nguồn thu ngân sách quan trọng ở cấp địa phương”, ông Cường nói.
Ví dụ, thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương tại Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan. Xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế bất động sản cũng rất khác biệt, chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, ¼ tại Pháp, Tây Ban Nha. Chỉ 15% ở Anh dù là nguồn thu thuế duy nhất cho ngân sách địa phương.
Tại Việt Nam, dù thuế tài sản chưa được thực thi nhưng nhiều luật thuế có liên quan đến tài sản đã được áp dụng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ… Trong đó, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,3 – 0,06% GDP mỗi năm của Việt Nam. Vai trò với loại thuế này đối với ngân sách địa phương cũng rất khiếm tốn, chỉ từ 5 – 7% ngân sách địa phương, nhiều nơi thậm chí chỉ 2%.
Từ góc độ đối tượng chịu tác động của thuế tài sản nếu áp dụng theo Dự thảo Luật thuế được Bộ Tài chính xây dựng, nghiên cứu của vị phó giáo sư này chỉ rõ, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của các hộ gia đình ở mức khoảng 0,9%, từ đó giảm chi tiêu thực tế khoảng 0,7%.
“Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, việc áp dụng sắc thuế này tại Việt Nam là khó hơn so với các nước phát triển, bởi vì, ở các nước phát triển, với sự minh bạch trong thu chi, nghiêm túc trong giải trình, việc áp dụng sắc thuế này tạo được sự đồng thuận với người dân.
Đồng tình với việc không nên áp dụng luật thuế này tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Đại học Quốc gia nhấn mạnh: “Tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế. Nếu tiếp tục đánh Thuế tài sản, mà lại đánh hàng năm, là không hiệu quả, không hợp lý và không có cơ sở, gây méo mó nguyên lý đánh thuế”.
Đồng thời, ông Thành cho rằng, không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế như vậy khi chưa xác định rõ ràng mục tiêu thực thi là điều chỉnh hành vi tiêu dùng hay tăng thu cho địa phương, thay vào đó, cần tập trung vào cách xây dựng cơ chế thu và cách sử dụng nguồn thu đó theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, cần tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển.
“Trước hết, cần cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về thu và chi của các cấp khi xem xét xây dựng luật thuế này để tránh vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Nếu chi tiêu ngân sách chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. Đây là vấn đề cốt lõi nhất trong cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”, vị Viện trưởng lưu ý.