Chữa bệnh “không dám chịu trách nhiệm” cho các cơ sở y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế (TBYT) tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực, nhiều chủ thể đã tiến hành mua sắm, nâng cấp phương tiện chữa bệnh.
Thông tư 14/2023/TT-BYT đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh: Lê Tiên
Thông tư 14/2023/TT-BYT đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, nhiều đơn vị khác vẫn lúng túng trong triển khai với lý do thiếu quy chuẩn và không dám tự chịu trách nhiệm. Thực tế này đòi hỏi Bộ Y tế phải tiếp tục gỡ vướng trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023.

Cởi trói cho hàng loạt cơ sở y tế

Ngày 1/7/2023, Thông tư số 14/2023/TT-BYT chính thức có hiệu lực thi hành. Ngay sau đó, ngày 3/7/2023, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) của Gói thầu Mua sắm vật tư y tế tiêu hao phục vụ hoạt động chuyên môn sử dụng nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, mã VT90 (11,642 tỷ đồng với 22 phần/lô). Ngày 8/9/2023, kết quả LCNT được phê duyệt.

Ngày 4/7/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt kế hoạch LCNT của 5 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm trang TBYT, hóa chất, vật tư y tế đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng (333,048 tỷ đồng), trong đó nhiều gói thầu có khá đông nhà thầu tham dự như Gói 2 Hóa chất, vật tư y tế, trang TBYT (46,993 tỷ đồng, chia thành 117 phần/lô) với 55 nhà thầu.

Ngày 5/7/2023, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt kế hoạch LCNT của Gói thầu Mua hóa chất y tế, sinh phẩm chẩn đoán invitro phục vụ khám chữa bệnh sử dụng 12 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với giá 68,684 tỷ đồng (131 phần/lô). Gói thầu có 21 nhà thầu tham dự và đang ở bước đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cũng nhanh chóng mua 3 máy chẩn đoán hình ảnh và một hệ thống nội soi trị giá hàng trăm tỷ đồng, đồng thời đấu thầu mua linh kiện, sửa chữa một số máy móc tồn đọng gần 1 năm nay. Giám đốc Bệnh viện này, bác sĩ Đỗ Mạnh Thắng chia sẻ, Bệnh viện chỉ bị hỏng 1 thiết bị, nếu theo quy trình cũ phải mất 6 tháng chưa chắc đã xong thủ tục, nhưng dựa vào Thông tư 14/2023/BYT, công việc được xử lý nhanh chóng. Chỉ trong vòng 2 tuần, hãng đặt máy đã sửa xong để thiết bị trở lại phục vụ bệnh nhân.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết, Thông tư 14 đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc đấu thầu mua sắm TBYT. Vấn đề còn lại là các cơ sở y tế cần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Gỡ tiếp những băn khoăn

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của một Sở Y tế tại khu vực phía Nam cho biết, sau khi Thông tư 14/2023/TT-BYT có hiệu lực, các quy định được nới lỏng hơn so với trước, tạo nhiều thuận lợi và trao thẩm quyền cho chủ đầu tư (bệnh viện). Tuy nhiên trong thực tế thực hiện, chủ đầu tư lại có một số e dè.

Đầu tiên, nếu chọn sản phẩm yêu cầu cao về cấu hình, tính năng kỹ thuật, tương đương có giá thành cao, lãnh đạo bệnh viện, bộ phận mua sắm e ngại khó giải trình với cơ quan hậu kiểm. Một e dè khác là, kể từ khi quy định về phân nhóm vật tư, TBYT được bãi bỏ, các bệnh viện không có cơ sở để đánh giá về chất lượng hàng hóa.

Theo cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của một bệnh viện trung ương tại Hà Nội, vật tư y tế là hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại nên khó đánh giá, nhất trong đấu thầu lĩnh vực y tế. Một số có thông số kỹ thuật cụ thể, nhưng đa phần là không có, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn ISO của nhà sản xuất giới thiệu trên catalog. Vì vậy, nhiều bệnh viện muốn nghiêng về phương pháp đánh giá hàng mẫu để lựa chọn sản phẩm, nhưng phương pháp này nặng về cảm tính và chưa được thể chế hóa.

Thông tư số 14/2023/TT-BYT trao quyền xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật cho Hội đồng khoa học của bệnh viện. Tuy nhiên, theo chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện chưa biết thành lập Hội đồng này như thế nào, vì chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí và thành phần của Hội đồng. Đối với TBYT kỹ thuật cao, Hội đồng Khoa học của Bệnh viện thường chỉ góp ý về kinh nghiệm sử dụng, đa số không biết rõ cấu hình chi tiết. Khó khăn thực tế này là một nhân tố khiến Bệnh viện chưa mạnh dạn trong hoạt động mua sắm.

Chia sẻ với báo chí mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, với 12.500 giấy phép nhập khẩu đến 31/12/2024 mới hết hạn và 50.000 thiết bị được cấp phép mới, gia hạn, thị trường Việt Nam không thiếu trang thiết bị, mà vấn đề ở chỗ các cơ sở y tế không dám chịu trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu.

Liên quan đến một số e dè, vướng mắc nêu trên, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiếp nhận thông tin và sẽ tổng hợp, cân nhắc đưa các nội dung hướng dẫn vào Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 trong thời gian tới.

Chuyên đề