Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia TEP Ngorn |
Tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Campuchia do Phó Chủ tịch Thượng viện TEP Ngorn dẫn đầu dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Campuchia đã giành được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong những năm qua; bày tỏ tin tưởng dưới sự trị vì của Quốc vương Norodom Sihamoni và sự lãnh đạo của Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ, Vương quốc Campuchia sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong việc xây dựng thành công một nước Campuchia hòa bình, độc lập và phát triển phồn vinh…
Về phía mình Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia TEP Ngorn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp cho nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp Campuchia hồi sinh và phát triển như ngày nay.
Hai bên đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng hai nước thời gian qua đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, đồng thời tin tưởng hai bên sẽ sớm hoàn thành phần còn lại trong thời gian sớm nhất, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân hai bên biên giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn Campuchia giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước, để bà con có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Campuchia, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Thượng viện Mexico Ernesto Cordero.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội hai bên tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, trong đó có việc phối hợp giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các bộ, ngành hai nước.
Theo Chủ tịch Thượng viện Mexico, hai nước còn rất nhiều cơ hội to lớn để hợp tác, phối hợp hành động và trao đổi kinh nghiệm, học tập nhau về nhiều mặt vì lợi ích chung của hai bên nhất là các lĩnh vực có tiềm năng và có thể bổ sung cho nhau như: Sản xuất, chế biến nông-lâm sản và thủy sản, đồng thời tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y dược, giáo dục đào tạo, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu… Chủ tịch Thượng viện Mexico cũng cho rằng hai nước cần hướng tới việc mở đường bay thẳng Mexico - Việt Nam. Đó là điều kiện hai bên kết nối du lịch cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hạ viện Chile Fidel Espinoza Sandoval.
Về hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trên tinh thần thỏa thuận hợp tác đã ký, Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với hai Nghị viện của Chile trên cả bình diện song phương và đa phương. Nhóm nghị sỹ hữu nghị của hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, giao lưu trao đổi chuyên môn...
Chủ tịch Hạ viện Chile cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chile là thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Chile đánh giá quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile có hiệu lực năm 2014 đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi trong mở rộng hợp tác kinh tế hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 170 triệu USD năm 2005 lên 1,04 tỷ USD năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 đạt 955,7 triệu USD… Trên đà tăng trưởng này, Chile mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong.
Tại cuộc tiếp ông Martin Chungong cho biết hồi tháng 5/2017, tại TPHCM, IPU và Quốc hội Việt Nam đã tổ chức lễ công bố "Bộ Tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững" dành cho các nghị viện do IPU và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) xây dựng.
Hy vọng chương trình này phát huy hiệu quả tốt ở Việt Nam, ông Martin Chungong khẳng định IPU đã và sẽ luôn đồng hành, coi trọng hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Theo đó, để các địa phương cũng như các cơ quan hữu quan Việt Nam có thể tự đánh giá các hoạt động khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì cuốn “Sổ tay Bộ tiêu chí” là rất cần thiết. Trong khả năng của mình, Tổng Thư ký IPU sẽ vận động các kênh, nguồn lực tài chính để hỗ trợ việc in ấn và phát hành cuốn sổ tay này đến các cơ quan hữu quan và các địa phương của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam đã đưa nội dung này vào chương trình giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề cũng như lồng ghép vào các chương trình giám sát về kinh tế - xã hội...
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với Tổng Thư ký IPU rằng trong áp dụng Bộ Tiêu chí tự đánh giá, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam nên thực hiện 1 cơ chế phối hợp, lập 1 nhóm công tác chung gồm Quốc hội Việt Nam và các cơ quan của LHQ cùng thực hiện.