Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
Dự án Luật Quy hoạch đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp (kỳ 2 và kỳ 3, Quốc hội khóa XIV). Tại các phiên họp trước đã nêu ra, việc xây dựng luật này cần sửa đổi 32 luật khác có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch.
Trong đó, có 8 luật như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Người cao tuổi, Luật An toàn thực phẩm, Luật Đo lường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thú ý, Luật Dự trữ quốc gia và Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ sửa đổi những vấn đề đơn giản về kỹ thuật. 24 luật còn lại sẽ phải sửa đổi một phần.
Trình bày tờ trình bổ sung về dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trình bày báo cáo thẩm tra bổ sung về dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc sửa đổi nhóm 8 luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch ngay trong Điều 69 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, qua đối chiếu 24 luật được đề xuất sửa đổi với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 8/6/2017, chỉ có duy nhất Luật Giáo dục đại học có trong Chương trình, còn lại 23 luật chưa có trong Chương trình.
Như vậy, trường hợp Chính phủ đề xuất đưa 23 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, kết hợp với 22 dự án luật đã có trong Chương trình (chưa kể các dự án nghị quyết, các dự án luật đã có trong Chương trình có thể bị kéo dài hơn so với dự kiến và một số luật Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến đầu tư, kinh doanh…) thì số lượng các luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018 là rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: TTXVN
Trước các ý kiến của các đại biểu về vấn đề sẽ phải xây dựng rất nhiều luật liên quan đến Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu Luật Quy hoạch không được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 thì sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch tiếp theo (2021 - 2025) do không kịp sửa đổi các luật có liên quan.
Vì vậy, Chính phủ rà soát lại theo đúng tinh thần của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và đúng mục tiêu Trung ương đề ra. “Đề nghị cố gắng hoàn chỉnh dự thảo luật và không có lý do gì để không trình tại Kỳ họp thứ 4”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; nhất trí rà lại, sửa lại Điều 23, 24, 26,27,28, nhưng đảm bảo nguyên tắc theo quy định của luật này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ thống nhất quản lý về quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, là đầu mối chính chịu trách nhiệm; các bộ khác theo sự phân công của Chính phủ.
“Sẽ đưa vào trong Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 về việc 1 luật sửa các luật liên quan đến nội dung về quy hoạch; và kèm theo nghị quyết để có bước chuyển tiếp, với tinh thần các quy hoạch đã có hiệu lực thì tiếp tục đến hết năm 2020 gắn với cả giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước. Còn từ 1/1/2021 thì theo Luật quy hoạch mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất hiệu lực thi hành của Luật quy hoạch vẫn là 1/1/2019. Đây là cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, cũng như toàn quốc chuẩn bị cho quy hoạch 5 năm tiếp theo.