Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ảnh tư liệu |
Đây là kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước xây dựng và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hội nhập là tất yếu
Từ rất sớm, trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã nêu tư tưởng muốn làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị giữa các nước trên thế giới, vì sự tiến bộ, văn minh của loài người, sự phát triển của các dân tộc. Vì vậy, trong bài viết Vấn đề dân bản xứ, đăng trên Báo L'Humanité, ngày 2/8/1919, Người đã khẳng định: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”.
Khi Việt Nam chưa giành được độc lập hoàn toàn, thì mục tiêu tối thượng của quan hệ quốc tế, theo Nguyễn Ái Quốc, là độc lập dân tộc cho Tổ quốc, nhất là quyền tự quyết dân tộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Người gửi thư cho Đại hội đồng Liên hợp quốc và các nước lớn thể hiện nguyện vọng Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với trách nhiệm cao là giữ gìn hòa bình, chống áp bức, bất công và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, ở Điểm 2, Người nhấn mạnh: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
Nhất quán tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong quan hệ quốc tế, Người yêu cầu phải kịp thời nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc chân chính của Việt Nam vì những quyền thiêng liêng của dân tộc: “Trong cuộc đấu tranh vì những quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho một sự nghiệp chung: Đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”.
5 nguyên tắc vàng trong quan hệ quốc tế
Trong Bài phát biểu tại hội những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Người khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn dân Việt Nam hoan nghênh mọi ý kiến, mọi cố gắng nhằm giúp cho nước Việt Nam mau thống nhất bằng phương pháp hòa bình như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Cụ thể, 5 nguyên tắc đó là:
Một là, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau. Trong quan hệ quốc tế, một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giữ vững độc lập và chủ quyền được đặt lên vị trí hàng đầu, bất kể mối quan hệ với nước nào, tổ chức quốc tế hay khu vực.
Hai là, không xâm phạm lẫn nhau. Trong quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh chủ trương giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, phù hợp đạo lý và luật pháp quốc tế, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Tư tưởng về hợp tác giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau đã được Người nêu rõ, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau.
Ba là, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tán thành, kiên trì đấu tranh bảo vệ và thi hành nguyên tắc này trong quan hệ quốc tế. Trong quan hệ với các nước, Việt Nam kiên quyết giữ vững quyền độc lập tự chủ, theo tinh thần tự quyết không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào.
Bốn là, bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán nguyên tắc này vì những mục tiêu chung của thời đại, của từng quốc gia dân tộc; đồng thời kêu gọi các quốc gia tôn trọng nguyên tắc ấy. Từ xuất phát điểm là sự “bình đẳng”, Người yêu cầu phải đảm bảo đôi bên cùng có lợi, trong đó lấy độc lập, hòa bình là mẫu số chung về lợi ích trong mọi mối quan hệ giữa các nước.
Năm là, chung sống hòa bình. Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc chung sống hòa bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa các nước có cùng chế độ chính trị giống nhau, mà còn cả các nước có chế độ chính trị khác nhau. Khi trả lời câu hỏi: “Chủ tịch có cho rằng hiện nay ở Việt Nam và Pháp, đối với việc thiết lập những quan hệ về tổ chức giữa hai chế độ khác nhau như vậy, dư luận đã được chuẩn bị chưa?” của phóng viên hãng thông tấn Pháp trên Báo Nhân dân, số 260, ngày 11/11/1954, Người quả quyết: “Tôi nghĩ rằng tinh thần nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần nhân dân Pháp đều sẵn sàng xét vấn đề đó, bởi vì những chế độ khác nhau có thể cùng chung sống hòa bình được”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là một hệ thống quan điểm về mục tiêu, phương pháp được thể hiện đa dạng và phong phú ở các thời kỳ, các giai đoạn cách mạng khác nhau, với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trên cơ sở giữ vững mục tiêu là độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do - hạnh phúc của nhân dân. Đây chính là sự vận dụng linh hoạt, uyển chuyển những cách thức, biện pháp khác nhau phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và đối tượng cụ thể trong quan hệ quốc tế, tạo nên xung lực từ sự kết hợp giữa nội lực với ngoại lực; góp phần đưa cách mạng Việt Nam từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế đã, đang và sẽ là kim chỉ nam, là cơ sở cho mọi thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.